Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh thông tin đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án Thăng Long về việc nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung kiến nghị của TP. Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên liên quan đến dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng.
Mục tiêu là nhằm đảm bảo sự phù hợp và phát huy hiệu quả giữa các dự án.
Theo ông Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên đề xuất điều chỉnh quy mô một số cống chui và cầu vượt dân sinh trên đoạn cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng; TP. Hà Tĩnh kiến nghị điều chỉnh phương án cầu bắc qua sông Cày, đường Ngô Quyền – ĐT.550 (Đường Ngô Quyền kéo dài - tuyến kết nối với đoạn cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi).
Hà Tĩnh đề xuất điều chỉnh lại một số vị trí kết nối trên tuyến chính cao tốc qua huyện Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh nhằm đảm bảo sự phù hợp giữa tuyến cao tốc Bắc - Nam với các dự án khác ở tỉnh này. Ảnh minh hoạ |
Theo Sở GTVT Hà Tĩnh, qua rà soát hồ sơ thiết kế cơ sở dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua huyện Cẩm Xuyên, địa phương nhận thấy có một số nội dung bất cập về cống chui dân sinh tại các điểm giao cắt giữa đường cao tốc với các tuyến đường huyện.
Trong đó, điểm giao cắt với đường ĐH.121 tại Km 522+697 theo thiết kế với quy mô mặt cắt ngang BxH = 7x4,5 m; giao với đường ĐH134 tại Km 544+395 theo hồ sơ thiết kế với quy mô mặt cắt ngang BxH = 9x4,5 m; cầu vượt dân sinh tại điểm giao cắt giữa đường cao tốc và tuyến đường huyện ĐH.124 tại Km 531+019.05 theo hồ sơ thiết kế với quy mô mặt cắt ngang BxH = 4,5x9 m.
Tuy nhiên, căn cứ đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Xuyên được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 15/3/2021, các tuyến đường huyện ĐH.121, ĐH.124 và ĐH.134 được quy hoạch xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng có nền đường rộng 12m.
Vì vậy, UBND huyện Cẩm Xuyên đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án Thăng Long xem xét điều chỉnh quy mô thiết kế các hạng mục hầm chui dân sinh và cầu vượt dân sinh nói trên lên quy mô BxH = 4,5x12 m để phù hợp với quy mô các tuyến đường phù hợp với quy hoạch.
TP. Hà Tĩnh cũng kiến nghị chủ đầu tư có sự điều chỉnh thiết kế cầu Cày (Km0+359,57) trên đường kết nối Ngô Quyền – ĐT.550 từ giao cắt khác mức với đê Trung Linh sang giao cắt cùng mức với đê Trung Linh và đường quy hoạch 35m ven sông cày.
Theo phương án thiết kế cầu vượt Sông Cày (Km 0+359,57), quy mô bề rộng cầu = 12 m, chiều dài cầu 114,3 m, gồm 3 nhịp 3x33 m, phương án theo hồ sơ thiết kế cơ sở là giao cắt khác mức với tuyến đê Trung Linh (chiều cao tĩnh không nhịp đầu cầu vượt đường đê Trung Linh > 4,5 m) là đảm bảo kỹ thuật nhưng chưa tối ưu về mặt đầu tư.
Do đó, UBND TP. Hà Tĩnh đề nghị chủ đầu tư thiết kế cầu vượt Sông Cày có chiều cao phù hợp (cao độ cầu vượt Sông Cày tương đương với cao độ cầu Cày hiện trạng), điểm giao giữa cầu và đường quy hoạch 35m là đồng mức; giữ nguyên cao độ điểm giao cắt giữa đê Trung Linh và đường Ngô Quyền kéo dài là 4,5m theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Khu đô thị mới phía Nam Cầu Cày, xã Thạch Trung đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 (cao độ tương đương với cao độ chân cầu Cày hiện trạng).
Việc thiết kế giao cắt đồng mức tại điểm giao giữa đường Ngô Quyền kéo dài và đường 35m ven sông Cày theo quy hoạch sẽ giảm chi phí đầu tư xây dựng nhiều so với phương án đầu tư cầu vượt qua cả đê Trung Linh và đường quy hoạch rộng 35m.
Việc thiết kế giao cắt đồng mức cũng sẽ làm giảm được chiều dài phần đường dẫn ở cả hai bên cầu, không gây lãng phí quỹ đất, tạo sự gắn kết giữa hai bên đường, tăng lợi thế thương mại đối với khu đất hai bên đường dẫn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Khi thiết kế nút giao đồng mức góp phần giữ được cảnh quan khu vực, không làm chia cắt khu đất hai bên đường Ngô Quyền kéo dài đồng thời tăng tính kết nối giữa đường Ngô Quyền kéo dài và đường 35m ven sông, tạo thuận lợi trong lưu thông trong quá trình sử dụng.