Du lịch
Hà Tĩnh mở đầu mùa du lịch 2023 bằng Lễ hội chùa Hương Tích
V. Hương - 22/12/2022 14:19
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh sẽ tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích xuân Quý Mão gắn với hoạt động khai trương du lịch Hà Tĩnh năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở văn Hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh sẽ phối hợp với UBND huyện Can Lộc triển khai hoạt động về du lịch chùa Hương Tích năm 2023.

Chùa Hương Tích nhìn từ trên cao. Ảnh Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh

Cụ thể, Kế hoạch (số 4761/KH-BTC ngày 20/12/2022) của UBND huyện Can Lộc đưa ra, lễ khai hội và hoạt động du lịch chùa Hương Tích năm 2023 sẽ bắt đầu vào ngày 27/1/2023 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Quý mão) đến giữa tháng 5/2023.

Gắn với mở đầu mùa du lịch 2023 bằng lễ hội chùa Hương Tích, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho hay.

Cụ thể, Lễ hội chùa Hương Tích diễn ra vào ngày 27/1/2023 (mồng 6 tháng Giêng); phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo huyện, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cùng xã Thiên Lộc tổ chức lễ Khánh đản Quán thế âm bồ tát vào ngày 9/3/2023 (tức ngày 18/2 âm lịch).

Không gian lễ hội kéo dài từ cầu Hạ Vàng (quốc lộ 1) qua xã Thiên Lộc đến chùa Thượng, trong đó, các điểm chú trọng gồm: Hạ Vàng, khu vực xã Thiên Lộc, khu vực Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích, bến thuyền, ga cáp treo, miếu Cô, miếu Cậu, khu vực chùa chính, chùa Thượng.

Một số chương trình văn hoá theo dự kiến của đia phương, ngày khai hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương, đất nước, mừng Đảng, mừng xuân và về chùa Hương; các giải thể thao, trò chơi dân gian như: bóng chuyền nam, chạy, leo núi, giải vật cổ truyền, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả...

Du khách viếng cảnh chùa Hương Tích.

Được biết, chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh (thuộc địa phận xã Thiên Lộc) được xây dựng từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII), chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, gắn với truyền thuyết tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện.

Ngôi chùa này được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - thắng cảnh đẹp nhất xứ Nghệ Tĩnh. Thời gian qua, chùa Hương Tích đã được chính quyền các cấp và các tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều hạng mục khang trang hiện đại nhưng không làm mất đi vẻ cổ kính của chùa gốc và cảnh quan thiên nhiên.

Theo Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, du khách đến với khu du lịch chủ yếu là du khách ngoại tỉnh, đi theo đoàn. Các đoàn khách quen thuộc hàng năm đến từ các tỉnh phía Bắc, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên;  và các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... với số lượng mỗi đoàn khách ít nhất là 15, nhiều nhất là 200 người.

Theo đại diện Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Hà Tĩnh cho biết, đơn vị thường xuyên có Trung tâm Điều hành và hỗ trợ dịch vụ du lịch tại chùa Hương Tích. Và thời gian qua, có được sự phối hợp chỉ đạo từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) kết nối với các đơn vị, như: Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội UNESCO, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và nhiều công ty lữ hành trên toàn quốc... để tích cực giới thiệu quảng bá về chùa Hương Tích đến các đối tác.

Hà Tĩnh cũng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch với nhiều ưu đãi, thiết kế các tour về Hà Tĩnh, trong đó, đưa chùa Hương thành một điểm tham quan trong các tour/tuyến của các đơn vị lữ hành du lịch địa phương.

Ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành trong việc tăng cường kích cầu, phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh mới, bên cạnh các khu, điểm du lịch biển… Đơn vị phối hợp với Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cùng các đơn vị tích cực quảng bá, thu hút du khách một cách hiệu quả.

Những kết quả bước đầu cho thấy, hướng khai thác du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái sau lễ hội là hướng đi đúng và triển vọng của ngành du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới, ông Sáng cho hay.

Tin liên quan
Tin khác