Doanh nghiệp
Hà Trung Kiên, CEO Gapo: Khát khao tạo ra sản phẩm đẳng cấp
Thu Phương - 26/09/2019 09:38
Không ngại thách thức giới hạn và luôn khát khao tạo ra sản phẩm đẳng cấp, Hà Trung Kiên cùng đội ngũ đã xây dựng Gapo - mạng xã hội của người Việt với những tính năng phù hợp để phục vụ người Việt, nhất là giới trẻ.
Doanh nhân khởi nghiệp Hà Trung Kiên

Làm chủ công nghệ

Ngày 23/7/2019, mạng xã hội Gapo (www.gapo.vn) của Công ty cổ phần Công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC.,) chính thức ra mắt tại Việt Nam. Giống như nhiều mạng xã hội khác, Gapo có những tính năng cơ bản như cho phép người dùng đăng bài viết, hình ảnh, video, kết bạn, giao lưu, trò chuyện trực tuyến, livestream và viết blog.

Ngoài ra, Gapo cho phép người dùng định danh tài khoản thông qua giấy tờ tùy thân để bảo vệ tài khoản, thanh toán trực tuyến hay sử dụng các dịch vụ công. Nhờ đó, người dùng không phải lo lắng về việc mất hoặc bị mạo danh tài khoản.

Hà Trung Kiên chia sẻ, ý tưởng về mạng xã hội Gapo đã được anh và đội ngũ ấp ủ nhiều năm với suy nghĩ: người Việt hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ và tạo ra sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm lớn trên thế giới. Gapo được phát triển trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thực tế của người Việt, từ đó có chiến lược phát triển các tính năng phù hợp.

Với CEO Gapo, thế giới công nghệ là thế giới phẳng, không có rào cản hay phân biệt ranh giới quốc gia. “Công nghệ là phần tất yếu của bất cứ mạng xã hội nào, không riêng ở Gapo. Điểm khác biệt là, Gapo được phát triển và vận hành bởi các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam - những người dù còn rất trẻ về tuổi đời, nhưng tài năng và vô cùng nhiệt huyết”, Kiên nói.

Nếu như công nghệ là một phần lý do để Kiên hình thành Gapo, thì yếu tố thôi thúc anh cho ra mắt Gapo tại thời điểm này là bởi, anh nhìn thấy cơ hội thị trường cho sản phẩm của mình. Kiên đánh giá, ở Việt Nam hiện có đến 43% người dùng tiếp cận sản phẩm mới qua hình thức quảng cáo trực tuyến. Dự báo, đến năm 2025, doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam có thể đạt 3 tỷ USD. “Chúng tôi nhận định, đây chính là thị trường tiềm năng cho Gapo”, Kiên quả quyết.

Sự quả quyết của CEO trẻ tuổi không phải là không có cơ sở. Bằng chứng là, ngay tại buổi ra mắt, Gapo chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ và tài chính của G-Group. Số tiền này sẽ được giải ngân trong 2 năm đầu của Dự án, với mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ đạt 50 triệu người dùng. Đây là số vốn đầu tư khá lớn với một start-up non trẻ như Gapo, nhưng trong “cuộc chơi” mạng xã hội mang tính toàn cầu, dường như là chưa đủ.

“Để vươn tới thành công, Gapo sẽ cần nhiều nguồn lực hơn. 500 tỷ đồng là số tiền để xây dựng, vận hành mạng xã hội trong giai đoạn đầu. Chúng tôi sẽ huy động thêm vốn đầu tư khi đạt được KPI (chỉ số đo lường hiệu quả) tăng trưởng theo kế hoạch. Cam kết đầu tư từ G-Capital giúp chúng tôi tự tin tập trung vào việc xây dựng đội ngũ giỏi, phát triển sản phẩm và bám theo các kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Ngược lại, chúng tôi phải cam kết với nhà đầu tư về KPI đạt được theo từng giai đoạn, tương đương cam kết giải ngân theo từng đợt của nhà đầu tư”, Kiên nhấn mạnh.

Thách thức giới hạn 

Nhờ những nỗ lực, đến nay, sau 2 tháng ra mắt, Gapo đã có hơn 2 triệu người dùng. Với số lượng lớn người dùng truy cập, đăng ký tài khoản trên Gapo cùng lúc, Kiên và đội ngũ của mình đã phải làm việc với 200% công suất để nâng cấp hệ thống liên tục.

Kiên kể, thời điểm mới ra mắt, rất nhiều người hào hứng quan tâm và đón nhận Gapo. Đội ngũ của anh phải “trực chiến” liên tục, thường xuyên ăn tối vào lúc 3 giờ sáng và ngủ tại công ty để khắc phục những sự cố do lượng truy cập và tạo tài khoản trên Gapo tăng theo cấp số nhân. Mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí những cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra, nhưng không ai trong nhóm bỏ cuộc.

“Với tinh thần khởi nghiệp, chúng tôi chấp nhận tất cả những sự cố, rủi ro, thậm chí cả những lời chê bai, bình luận tiêu cực. Trong hai tháng qua, đội ngũ Gapo đã thực sự bước qua vùng an toàn của bản thân để cùng ăn, cùng ngủ với sản phẩm, thách thức giới hạn và khát khao tạo ra sản phẩm đẳng cấp. Bởi đó cũng chính là cơ hội giúp chúng tôi biết được người dùng thực sự có nhu cầu gì, mong muốn gì để đáp ứng”, Kiên cho hay.

Cùng những người bạn đồng hành vững vàng khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, Kiên hiểu ra rằng, những con số đơn giản chỉ là… con số. Điều khiến anh tự hào nhất cho tới thời điểm hiện tại có lẽ chính là đội ngũ nhân sự phát triển Gapo.

Hiện tại, đội ngũ Gapo đã lên tới trăm người, nhưng Kiên vẫn tiếp tục tìm kiếm những người bạn đồng hành có chuyên môn tốt và trên hết là có tinh thần làm việc hết mình, không ngại thử thách… để sát cánh với anh đẩy mạnh và hoàn thiện các tính năng mới cho Gapo, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.

Xây dựng mạng xã hội văn minh dành cho giới trẻ:

Tại sao Gapo lại định hướng trở thành mạng xã hội dành cho giới trẻ?

Mạng xã hội là dành cho mọi người, Gapo cũng dành cho mọi người, nhưng giới trẻ là nhóm trọng tâm của chúng tôi. Gapo đã và sẽ cập nhật nhiều tính năng, sân chơi mới, giúp các bạn trẻ phát huy năng lực sáng tạo, có thêm niềm vui mỗi ngày khi dùng Gapo.

Chữ “Gapo” có ý nghĩa như thế nào?

G là gặp gỡ, giao lưu, giải trí. A là an toàn. P là phong cách. O là một cách chơi chữ, là chữ viết tắt của từ “online” hoặc “không”, nghĩa là không khoảng cách, không giới hạn.

Gapo là một thế giới online không có khoảng cách, là nơi để gặp gỡ, giao lưu, giải trí trong một môi trường an toàn, văn minh hơn. Mỗi người dùng mạng xã hội Gapo sẽ có một phong cách độc đáo riêng của mình và hơn nữa là sự sáng tạo, kết nối không giới hạn trên nền tảng Gapo.

Nét văn hóa mà Gapo đang xây dựng?

Tôi muốn Gapo không chỉ là nơi làm việc, cống hiến, mà còn là môi trường cởi mở giúp mọi người dám nói lên ý kiến cá nhân, phát huy được khả năng sáng tạo, theo đuổi đam mê của mình.

Tin liên quan
Tin khác