Lộ diện đại gia?
Trước đó, ngày 28/10/2016, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã chính thức đưa 231,8 triệu cổ phiếu vào giao dịch trên sàn UPCoM của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngay lập tức, giá cổ phiếu BHN đã tăng mạnh.
Từ mức 39.000 đồng/cổ phiếu khi niêm yết lần đầu vào ngày 28/10/2016, cổ phiếu BHN đã có lúc vọt lên mức 144.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/11 và tới ngày 9/1/2017 đã chốt phiên giao dịch với mức 133.000 đồng/cổ phiếu.
Dây chuyền sản xuất của Habeco tại Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh. Ảnh: Đức Thanh |
Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng. Trụ sở chính đặt tại 183 - Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát. Bộ Công thương hiện nắm giữ 81,79% cổ phần Habeco, Carlsberg Breweries nắm giữ 17,34%, Carlsberg Trading Company Ltd là 0,15% và phần còn lại của các đối tượng khác.
Ở thời điểm 30/9/2016, tổng giá trị tài sản của Công ty mẹ - Habeco là 7.195 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 4.986 tỷ đồng, doanh thu thuần là 5.276 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là 725 tỷ đồng, còn các lợi nhuận khác chỉ chiếm 10,3 tỷ đồng. Chung cuộc, lợi nhuận sau thuế của Habeco trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 597 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của 9 tháng năm 2016 chỉ bằng 77,23% và 69,34% so với cả năm 2015.
Tại Habeco, doanh thu của hoạt động tài chính đóng góp khá lớn vào tổng doanh thu với 582,2 tỷ đồng và 547,4 tỷ đồng trong năm 2014 và 2015. Đây chính là các khoản thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty con, công ty liên kết và lãi tiền gửi, tiền cho vay. Bia là mặt hàng đem lại doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho Habeco, với tỷ trọng lên tới 96,2% tổng doanh thu, còn rượu và nước uống đóng chai chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
. |
Năm 2014, Công ty mẹ - Habeco đã sản xuất được 497,7 triệu lít bia; năm 2015 là 515 triệu lít bia và 9 tháng của năm 2016 là 380,3 triệu lít bia.
Theo báo cáo của Habeco gửi Bộ Công thương, năm 2016, tổng doanh thu ước đạt 11.826 tỷ đồng; sản lượng bia các loại đạt 724,4 triệu lít (trong đó bia mang thương hiệu Hà Nội là khoảng 594,5 triệu lít). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.060,7 tỷ đồng, bằng 81,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 90% so với kế hoạch năm.
Như vậy dù doanh thu không giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế của Habeco có xu hướng giảm trong năm 2016.
Báo cáo của Công ty mẹ - Habeco cũng cho thấy, tổng chi phí sản xuất luôn chiếm tỷ trọng cao và ổn định trên tổng doanh thu thuần ở quanh mức 90%.
Mặt khác, trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ, do tác động của các yếu tố nguyên vật liệu, nhân công, thì các chi phí bán hàng lại có sự tăng mạnh. Tổng chi phí bán hàng trong năm 2015 là 1.162 tỷ đồng - tăng 19,76% so với năm 2014. Còn 9 tháng năm 2016, chi phí này là 779 tỷ đồng, chiếm 10,24% tổng doanh thu thuần.
Theo các chuyên gia, đây là sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường bia mà hai đối thủ lớn là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và các nhãn hàng của bia Heineken.
Loại trừ các nhãn bia ngoại như Heineken, Carlsberg là không có số liệu chính thức để so sánh, Habeco có quy mô về vốn điều lệ, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đứng thứ 2, chỉ sau Sabeco. Nhưng trong năm 2015, chỉ tiêu sinh lời của Habeco được đánh giá là mức vừa phải với 9,86%, thấp hơn Sabeco và Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung (SMB). Chỉ tiêu ROE đạt 17,76%, thấp hơn Sabeco, SMB và Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây.
Bán như thế nào?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Habeco cùng với Sabeco sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước đang nắm giữ, với tinh thần công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, cổ đông.
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 31/8/2016, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, dự kiến Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (81,79%) tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, đến nay đã bước vào giữa tháng 1/2017 và Habeco cũng mới chỉ chuẩn bị niêm yết cổ phiều trên sàn HOSE, nên mục tiêu trên đã không hiện thực. Dẫu vậy, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tới việc thoái vốn nhà nước của đại gia lớn thứ 3 trong ngành bia Việt Nam.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới mua cổ phần của Habeco. Trong số này có thể kể đến cả thương hiệu Heineken, Công ty nước giải khát Suntory (Nhật Bản) hay Công ty Chaleo Yoovidhya - nhà sản xuất nước uống tăng lực Red Bull tại Thái Lan… cùng vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Đó là chưa kể tới Carlsberg, hãng bia lớn của Đan Mạch đang nắm giữ hơn 17% vốn điều lệ tại Habeco cũng rất kỳ vọng gia tăng tỷ lệ vốn mình nắm giữ lên rất cao, thậm chí tới trên 80%. Đáng nói là trong khi cổ phiếu BHN của Habeco thời gian qua được khớp lệnh ở mức trên 110.000 đồng/cổ phiếu, thì đại diện của Carlsberg lại cho rằng, thị giá của cổ phiếu Habeco chỉ hợp lý với mức 48.000 đồng.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, để tiếp tục bán cổ phần, Habeco sẽ được tiến hành định giá lại. Từ giá trị tài sản, giá trị sổ sách, kết hợp với giá giao dịch hiện nay trên thị trường để đưa ra giá trị cuối cùng và để xác định giá bán của Habeco khi tiến hành thoái vốn theo lô lớn.
“Nếu bán tiếp cổ phần Habeco theo phương thức khớp lệnh trên thị trường hiện nay thì rất lâu, bởi vì mỗi lẫn khớp lệnh chỉ cho phép giá dao động 7% với số lượng cổ phiếu hạn chế. Tuy nhiên, để tìm được người mua hợp lý, việc bán theo lô là cần thiết”, nguồn tin này cho hay.
Bên cạnh việc xác định lại giá trị của Habeco, rất có thể, đại gia bia này sẽ được phép bán một lượng cổ phiếu nhỏ theo phương thức khớp lệnh, để tạo điều kiện cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp sát với giá thị trường hơn. Tuy nhiên, thời điểm bán vẫn chưa rõ ràng, bởi việc xác định lại giá trị doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình khởi động, tìm nhà thầu.