Hai cựu Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục khai “không biết quy định Luật Đấu thầu”
Chiều 14/1, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu giấy in, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục).
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục khai, khi nhận vị trí Chủ tịch NXB Giáo dục năm 2017, được Ban chỉ đạo mua sắm và các cán bộ làm việc lâu năm tư vấn thực hiện theo phương thức rút gọn, thay vì đấu thầu, nên bị cáo đã chỉ đạo các bộ phận liên quan triển khai.
Cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái đứng trước bục khai báo. |
Với vai trò Chủ tịch, bị cáo thấy đúng Luật Đấu thầu nên quyết định làm theo cách chào hàng cạnh tranh rút gọn, nhưng trong quá trình điều tra, được giải thích mới biết mình làm như vậy là sai.
Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Thái cho rằng, số tiền này bản thân không thỏa thuận gì, mà sau quá trình thực hiện xong các gói thầu, doanh nghiệp tự mang đến tặng.
Hai cựu Phó tổng giám đốc là bị cáo Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải đều thừa nhận cáo trạng quy kết các hành vi của mình là đúng, song lại cho rằng thời điểm thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm giấy in, không biết quy định chỉ thực hiện phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn với các gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Lê Bách khai, bản thân là người ký kết hợp đồng với các công ty trúng thầu, song chỉ đến khi được cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát giải thích, mới nắm rõ các quy định này.
Cựu Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục cũng khai, "thỉnh thoảng vào dịp lễ, Tết có nhận được quà biếu 5, 10 triệu đồng từ Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng".
Cựu Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Hoàng Lê Bách cho rằng không hiểu quy định của Luật Đấu thầu nên dẫn tới vi phạm. |
Trái ngược với lời khai trên, bị cáo Phạm Gia Thạch, cựu thành viên Hội đồng Thành viên, kế toán trưởng NXB Giáo dục lại khẳng định, trong biên bản họp Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư, có yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với 7 gói thầu năm 2017.
Bị cáo Thạch khai, trong nhiều cuộc họp sau đó đã có ý kiến rất gay gắt, về việc cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên và các thành viên khác trong Ban chỉ đạo áp dụng phương pháp chào hàng cạnh tranh với những gói thầu lớn, song không được lắng nghe.
Cũng theo lời khai của bị cáo Thạch, do nhiều lần đưa ra ý kiến về việc này, có lần bị ông Thái gọi vào mắng và nói “thế này thì anh về nhà nước mà làm”.
Em gái bị cáo Tô Mỹ Ngọc xin lại 10 tỷ đồng đã nộp khắc phục hậu quả
Liên quan tới việc khắc phục hậu quả của vụ án, đại diện Công ty cổ phần Giấy CP và đại diện của bà Tô Mỹ Châu, Tổng giám đốc công ty này cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo Ngọc có mong muốn nộp 19 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Số tiền này, bà Tô Mỹ Châu (em gái bị cáo Tô Mỹ Ngọc) đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục và giải quyết nghĩa vụ của bị cáo Ngọc trong vụ án.
Được biết, Công ty cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng và Công ty cổ phần Giấy CP là công ty gia đình, thành viên góp vốn gồm: Tô Mỹ Ngọc nắm giữ 33,33%; bà Tô Mỹ Châu 33,34%; ông Tô Văn Đức 33,33%.
Trong đó, bà Tô Mỹ Châu làm Tổng giám đốc, đại diện pháp luật và Tô Mỹ Ngọc là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo ủy quyền đối với các công ty này để sử dụng con dấu, ký hợp đồng và các chứng từ, văn bản liên quan.
Trong vụ án này, số tiền thiệt hại được xác định là hơn 10 tỷ đồng, trong đó thiệt hại của Tô Mỹ Ngọc gây ra là hơn 6,5 tỷ đồng.
Theo đại diện của bà Tô Mỹ Châu, quá trình giải quyết hậu quả của vụ án, bà Châu và bị cáo Tô Mỹ Ngọc có mong muốn khắc phục 6,5 tỷ đồng và sung công quỹ gần 3 tỷ đồng. Số tiền còn lại thừa khoảng 10 tỷ đồng, bà Châu mong muốn được hoàn trả lại để trang trải cuộc sống.