Đầu tư
Hải Dương điều chỉnh quy mô, số lượng, quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp
Quỳnh Nga - 10/01/2025 14:42
Tại Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Nam Sách, Gia Lộc tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương điều chỉnh quy mô, số lượng một số khu, cụm công nghiệp.

Giảm 3 cụm công nghiệp tại huyện Cẩm Giàng

Là một phần thuộc vùng phía Tây của tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng được quy hoạch là phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn. Đây sẽ là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt, trung tâm sản xuất và chế biến nông sản; là vùng du lịch - văn hóa kết hợp với làng nghề truyền thống. Huyện Cẩm Giàng có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa phía Tây Bắc của tỉnh Hải Dương, đồng thời là cửa ngõ phía Tây của TP Hải Dương, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương với Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh hành lang phát triển dọc QL5 và QL38.

Theo Quyết định số 3572/QĐ – UBND của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); trong điều chỉnh phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, sản xuất kinh doanh, sẽ giữ nguyên định hướng quy hoạch đến năm 2030 có 7 khu công nghiệp (KCN). Điều chỉnh quy hoạch giảm từ 9 cụm công nghiệp (CCN) còn 6 CCN (so với quy hoạch đã duyệt - không quy hoạch 3 CCN tại xã Cẩm Hưng, xã Định Sơn - Tân Trường, xã Cao An - Định Sơn - Cẩm Vũ). Duy trì một số quỹ đất sản xuất kinh doanh, công nghiệp nhỏ lẻ đã được chấp thuận đầu tư; có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt - vị trí cụ thể được xác định ở trong quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch đô thị.

Hạ tầng giao thông được tỉnh Hải Dương chú trọng đầu tư. Ảnh: Thành Chung

Giảm quy mô quy hoạch KCN Nam Sách,  KCN Gia Lộc 3

Tại Quyết định số 3570/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), sẽ giữ nguyên định hướng quy hoạch 2 CCN Nam Hồng - Hồng Phong, Thái Tân; điều chỉnh quy hoạch giảm quy mô quy hoạch KCN Nam Sách 1.

Huyện Nam Sách là cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Hải Dương, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương với Hải Phòng, Quảng Ninh hành lang phát triển dọc QL5 và QL37. Huyện được quy hoạch là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm, là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại; trung tâm sản.

Là một phần thuộc vùng trung tâm của tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lộc được định hướng phát triển là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm. Vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, làng nghề, chế biến nông sản thực phẩm. Và là cửa ngõ phía Nam của thành phố Hải Dương, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương với Hải Phòng, Quảng Ninh, hành lang phát triển dọc Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL37 và QL38B.

Quyết định 3575/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2) sẽ giữ nguyên định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2030 gồm: Các KCN Hoàng Diệu, Gia Lộc; các CCN Toàn Thắng, Yết Kiêu.

Điều chỉnh giảm diện đất quy hoạch KCN Gia Lộc 3 giảm từ 350 ha còn khoảng 130 ha. Điều chỉnh giảm diện tích đất quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp tại các xã: Gia Tiến, Gia Phúc.

Giảm đất một số khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện

Theo Quyết định số 3573/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần 2) sẽ giữ nguyên quy hoạch: KCN Hưng Đạo (khoảng 200 ha), KCN Tứ Kỳ 1 (115,8 ha); CCN Kỳ Sơn (53,26 ha), CCN Văn Tố (35,17 ha), CCN Nguyên Giáp (75,0 ha). Điều chỉnh giảm đất quy hoạch khu vực phát triển công nghiệp tại các xã: xã Minh Đức, Quang Khải, Nguyên Giáp, Quang Trung, Tiên Động, Đại Sơn, Dân an…

Huyện Tứ Kỳ được quy hoạch là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với dịch vụ thương mại, làng nghề và du lịch sinh thái, trải nghiệm; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Phát triển công nghiệp và đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, bền vững; trục ven sông Thái Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các vùng nông nghiệp chất lượng cao và nông nghiệp hữu cơ.

Huyện Thanh Miện là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp động lực của tỉnh Hải Dương. Huyện có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa phía Tây Nam của tỉnh Hải Dương; trung tâm công nghiệp động lực của tỉnh, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của Hải Dương với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Hải Dương, gắn với phát triển, thành lập Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh. Theo quyết định số 3571/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), dự báo nhu cầu sử dụng đất sản xuất công nghiệp đến năm 2030 khoảng 733 ha. Bao gồm: KCN Thanh Miện 1, KCN Thanh Miện 2, KCN Bình Giang - Thanh Miện, CCN Cao Thắng, CCN Đoàn Tùng, CCN Tứ Cường - Chi Lăng Bắc, CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang, CCN Đoàn Tùng 2, CCN Tứ Cường.

Quy hoạch Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương có tổng diện tích khoảng 5.300 ha, diện tích tại huyện Thanh Miện khoảng 3.370 ha. Trong đó bao gồm diện tích của các KCN, CCN đã được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 (KCN Thanh Miện 1, KCN Thanh Miện 2, KCN Bình Giang - Thanh Miện; CCN Đoàn Tùng, CCN Đoàn Tùng 2). Ngoài ra còn định hướng quy hoạch các khu vực phát triển công nghiệp, dân cư, đô thị, dịch vụ, công cộng, trung tâm đổi mới sáng tạo… khác nằm trong khu kinh tế chuyên biệt để dự kiến thành lập thêm một số khu công nghiệp, phát triển nhà ở, thương mại dịch vụ, công cộng sau khi được điều chỉnh, bổ sung thêm chỉ tiêu sử dụng đất và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Theo đó, các khu công nghiệp nằm trong khu vực dự kiến quy hoạch phát triển khu kinh tế chuyên biệt đã được phân bổ chỉ tiêu đất thì triển khai theo phương án phát triển khu công nghiệp theo quy định. Sau khi đề án Khu kinh tế chuyên biệt được duyệt, toàn bộ diện tích nằm trong Khu kinh tế chuyên biệt sẽ được thực hiện theo Quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin liên quan
Tin khác