Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch thông qua nêu rõ, tỉnh Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông.
Cụ thể, tới năm 2050, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học và công nghệ cao, trở thành trục động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Các chuyên gia đánh giá, Hải Dương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ và thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển và các cảng hàng không quốc tế chính của miền Bắc, nên có khả năng kết nối trong và ngoài nước khá toàn diện, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc bộ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng. Giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế của tỉnh tăng bình quân 7,6%/năm - cao hơn mức trung bình cả nước, nhưng chỉ xếp thứ 8 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vì vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Hải Dương sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính.
Trước hết, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao và mở rộng chuỗi giá trị các ngành thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh như ngành điện, điện tử, cơ khí luyện kim… dựa trên liên kết vùng và thu hút doanh nghiệp FDI lớn.
Thứ hai, xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Tỉnh sẽ mở rộng các ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao như hóa chất, hóa dược, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp, độc quyền, có tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tới các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Thứ ba, duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, chỉ duy trì, dừng đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, công nghiệp khai khoáng.
Cuối cùng, tỉnh Hải Dương quyết tâm xây dựng địa phương thành trục công nghiệp động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Với quỹ đất cho khu công nghiệp ít, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái với trung tâm đổi mới sáng tạo, cùng các cụm công nghiệp với hạ tầng hiện đại.
Ủng hộ quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh lưu ý, Hải Dương đã sở hữu vị trí, hạ tầng tốt, vì vậy phải làm sao tạo được cú hích thúc đẩy phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.
Ông Dũng phân tích, Hải Dương là địa phương không có lợi thế giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các khu kinh tế… Do vậy, phải có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, với định hướng công nghiệp sẽ tạo bứt phá cho tỉnh, thì Hải Dương cần đột phá về tư duy. Theo đó, công nghiệp hóa phải được gắn với đô thị hóa đẳng cấp và vượt trội.
Làm rõ thêm vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, tỉnh không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh, mà hướng tới tăng trưởng bền vững. Tỉnh đã điều chỉnh giảm số lượng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và chuyển hướng sang phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái để mọi người dân đều được hưởng lợi.
Ông Thắng khẳng định, các ý kiến góp ý từ chuyên gia, Hội đồng Thẩm định là cơ sở để tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh nhằm đưa ra bản quy hoạch đúng nhất, tốt nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.