Nông sản xuất khẩu vẫn dồn ứ
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá.
Diện tích cà rốt đang thu hoạch khoảng 500ha, trồng tập trung tại Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh và thành phố Hải Dương, với sản lượng 30.000 tấn. Trong đó, 90% sản lượng cà rốt đã có đầu mối thu mua phục vụ xuất khẩu.
Hải Dương còn khoảng 90.000 tấn rau màu vụ đông cần tiêu thụ, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. |
Đối với các loại như su hào, bắp cải, diện tích đang thu hoạch còn khoảng 200ha, sản lượng 7.000 tấn (5.000 tấn đã đến thời điểm thu hoạch). 50% diện tích này cũng đã được các thương lái thu mua và đang tập trung thu hoạch để đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ tại thị trường miền Nam hoặc xuất khẩu.
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay trong việc tiêu thụ nông sản cho người dân là các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với Hải Dương.
Trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Đức Chính cho biết, dịch bùng phát lần này tại Hải Dương vào đúng mùa thu hoạch và tiêu thụ vụ Đông. Hiện Hợp tác xã Đức Chính có 360 ha trồng cà rốt nhưng mới chỉ thu hoạch được 30%. Toàn bộ số còn lại đã được các cơ cở chế biến, các đơn vị kinh doanh thu mua của người dân. Các đơn hàng xuất khẩu đã có, nhưng nay hàng hoá không thể lưu thông.
Chị Trần Thị Luyên, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến Nông sản Đức Chính, tại huyện Cẩm Giảng cũng cho hay: “Hiện cơ sở đã ký hợp đồng xuất khẩu cho mặt hàng cà rốt, rau ăn lá với các đối tác ngoại như Nhật Bản (10 container 40 Feet/tuần), Indonesia, Thái Lan (3-4 container 40 Feet/ngày). Nhưng khi dịch bùng phát tại Hải Dương, hàng hoá không thể ra khỏi tỉnh để xuất khẩu. Hiện nguy cơ mất vốn đã lên đến cả chục tỷ đồng, chưa kể việc sẽ bị phạt hợp đồng với các đối tác ngoại và bị mất bạn hàng do không thể giao hàng đúng hẹn”.
Rau đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn còn nằm chờ trên ruộng nhiều. |
Trước tình trạng này, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương nhấn mạnh: “Trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu...”. Theo ông Hải, điều này dẫn đến thực tế là hàng hoá bị ách tác, nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ; vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng – nhưng không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; đặc biệt hàng xuất khẩu đến hạn phải giaio hàng nhưng không đưa xuống được gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Khó khăn trong phối hợp vì không có cơ chế chung
Trước tình trạng hàng hoá nông sản tồn đọng lớn, ngày 16/2, UBND tỉnh Hải Dương đã phải có công văn số 517/UBND-VP gửi Bộ Công thương, UBND TP Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu tạo điều kiện thông thương hàng hóa.
Trên mạng xã hội Zalo, nhóm “chat” mang tên “Doanh nghiệp nông nghiệp Hải Dương” do ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương lập ra, để trực tiếp lăng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và kịp thời có chỉ đạo hỗ trợ.
Group "Doanh nghiệp Nông nghiệp Hải Dương" trên Zalo do Giám đốc Sở &PTNT Hải Dương lập để lắng nghe và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp. |
Thông tin được trao đổi chủ yếu trên nhóm này xoay quanh việc các xe tải, xe container gặp khó khăn trong việc đi qua đi các địa phương khác để vận chuyển hàng hoá. Chưa kể, nhiều địa phương liên tục có những điều chỉnh về chính sách kiểm soát phương tiện vận tải, hoặc giữa các địa phương có các cách thức kiểm soát phương tiện vận tải hoàng hoá từ Hải Dương đến khác nhau.
Từ 18/2, Hải Phòng đã đồng ý cho hàng hoá của Hải Dương đi vào Hải Phòng nếu đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Nhưng theo ông Vũ Việt Anh, thì để tình trạng ách tắc trong vận chuyển và tiêu thụ nông sản từ Hải Dương qua các chốt kiểm soát tại Hải Phòng được cải thiện mạnh hơn thì Hải Phòng có thể mở rộng cơ quan xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR cho các lái xe, chứ không chỉ định rõ là CDC Hải Dương. Bởi Bộ Y tế đã đồng ý cho Hải Dương được sử dụng 5 cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm. Hơn nữa, hiện CDC Hải Dương đang phải tập trung ưu tiên cho những những bệnh nhân, các F1 và các đối tượng có nguy cơ cao khác.
Hay tại Bắc Ninh, ngày 19/2, địa phương này cũng đã có văn bản số 460/UBND-KGVX về việc tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng nông sản, hàng hoá phục vụ sản xuất của các tỉnh, thành phố lưu thông qua các chốt liên ngành. Theo đó, chỉ cho phép mỗi xe có 1 lái xe được phép vào Bắc Ninh khi có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, hàng hoá, khai báo y tế và đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ tạm dừng lưu thông đối với các xe chở hành khách, xe tư nhân mang biển kiểm soát tỉnh Hải Dương và xuất phát từ Hải Dương vào địa phận tỉnh Bắc Ninh trong thời gian Hải Dương cách ly xã hội.
“Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp khi phải đuổi theo nắm bắt yêu cầu của từng địa phương mà hàng hoá từ Hải Dương sẽ đi qua”, ông Phạm Thanh Hải nhận định.
Từ 18/2, Hải Phòng cho phép xe chở hàng hóa từ Hải Dương vào thành phố nếu đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 |
Thực tế, người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại địa phương mình. Nên việc mỗi địa phương có những biện pháp cụ thể khác nhau là chuyện đương nhiên. Như tại Hải Phòng, lãnh đạo địa phương này lo ngại về nguồn lây nhiễm từ hàng hoá khi dẫn chứng ví dụ trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, một số nhân viên bốc dỡ hàng hóa cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, mà nguồn lây nhiễm đang nghi là do hàng hóa. Ngay cả các loại hàng đông lạnh, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo rất nhiều lần đó có thể là nguồn lây nhiễm. Do đó, có thể hiểu cho sự chặt chẽ của Hải Phòng trong việc kiểm soát vận tải hàng hoá đi đến và trở về từ Hải Dương.
Cần nhạc trưởng điều phối, cần cơ chế giải quyết tình huống chung
Ngày 19/2/2021, Sở Công thương Hải Dương cũng đã có văn bản số 279/SCT-QLTM gửi Bộ Công thương để kiến nghị triển khai các biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá. Theo đó, Sở Công thương Hải Dương đã kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hoá. Xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hoá được lưu thông thuận tiện qua địa bàn các tỉnh nói chung, cũng như trong vùng dịch nói riêng. Cần xem xét đưa ra những điều kiện tạm thời (giải pháp tình thế) như: áp dụng 5K, mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn xe và đảm bảo các điều kiện phòng dịch khác để tạo điều kiện hco các xe lưu thông trong ngắn hạn (1-2) ngày trước khi đưa ra các điều kiện chung áp dụng trong thời gian dài để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Sở NN&PTNT Hải Dương bố trí lực lượng ở các chốt phun tiêu độc khử trùng cho hàng hoá và phương tiện trước khi đi tiêu thụ. |
Phải nói thêm rằng, theo thông tin từ sở Công Thương Hải Dương, hiện nay hàng hoá nông sản của Hải Dương có giá trị xuất khẩu lớn. Tính trung sản lượng hàng hoá xuất khẩu các loại trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đạt khoảng 7,5 tỷ USD/năm. Và cũng không phải dễ dàng gì Hải Dương thực hiện xúc tiến thương mại thành công và mở rộng được thị trường cho nông sản Hải Dương như: vải, nhãn xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Australia; cà rốt xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông; bắp cải xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất khẩu sang Malaysia…
“Nếu tình trạng vận chuyển hàng nông sản và các mặt hàng xuất khẩu khác vẫn bị ngưng trệ như hiện tại thì việc giữ uy tín với các bạn hàng quốc tế là rất khó. Và tôi nghĩ không chỉ riêng gì Hải Dương, nếu địa phương khác chẳng may có dịch bùng phát cũng sẽ trong trạng thái lo lắng tương tự. Vậy nên, lúc này cần có một nhạc trưởng điều phối và cần cơ chế chung về vận tải hàng hoá áp dụng cho toàn quốc. Để bất cứ khi nào có dịch bùng phát tại 1 địa phương thì các địa phương liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá từ địa phương đó có cơ chế thống nhất áp dụng tức thời, tránh việc gián đoạn quá trình vận chuyển”, ông Phạm Thanh Hải khẳng định.