Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm lọt qua hệ thống ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, gây khó khăn cho các nhà mạng. |
Chưa dọn xuể rác viễn thông
Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cũng như các nước trên thế giới, kể cả quốc gia phát triển, tại Việt Nam, tình trạng cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi “rác” có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động (robocall) gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quyền lợi của người dân.
Từ tháng 7/2020, Cục Viễn thông đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai giải pháp ngăn chặn cuộc gọi “rác”, cuộc gọi giả mạo. Tính đến hết tháng 6/2021, sau 11 tháng triển khai, các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 181.000 thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”, 56,65 triệu cuộc gọi giả mạo. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, hơn 92.000 thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”, hơn 35 triệu cuộc gọi giả mạo bị ngăn chặn.
Đánh giá về việc xử lý “rác” viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, số lượng phản ánh của người dân về cuộc gọi “rác” qua tổng đài 5656 tăng trung bình 13-15%/tháng. Số cuộc gọi “rác” phát tán và số thuê bao bị ảnh hưởng có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, trong tháng 6/2021, có khoảng 8,4 triệu cuộc gọi “rác”, giảm 31,9%; hơn 5,4 triệu thuê bao bị ảnh hưởng, giảm 23,5% so với tháng 12/2020.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thanh tra giám sát rác viễn thông sẽ được thực hiện hàng tuần. Bộ cũng áp dụng việc cá nhân hóa trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý rác viễn thông.
Với cuộc gọi giả mạo, dựa trên khuyến nghị của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Cục Viễn thông đã hướng dẫn các nhà mạng xây dựng hệ thống phát hiện và ngăn chặn. Thực tế, số lượng phản ánh về các vụ lừa đảo qua điện thoại đến cơ quan công an đã giảm khoảng 75% so với trước, góp phần bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm lọt qua hệ thống ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, gây khó khăn cho các nhà mạng khi xử lý cuộc gọi, tin nhắn giả mạo đầu số hay các ứng dụng nước ngoài.
“Hai gậy” phối hợp
Theo Cục Viễn thông, các nhà mạng đang áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data), máy học (Machine Learning) đối với tất cả các cuộc gọi, đồng thời kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định cuộc gọi “rác”, từ đó thực hiện biện pháp khóa chiều gọi đi của thuê bao phát tán cuộc gọi “rác”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng sản phẩm Antispam Call thuộc Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) cho biết, giải pháp của Viettel đang sử dụng 3 nền tảng công nghệ chính. Đầu tiên là việc sử dụng Big Data với hiệu suất quét tự động lên đến hàng trăm ngàn cuộc gọi mỗi giây.
Công nghệ thứ hai là áp dụng trí tuệ nhân tạo và Machine Learning để dự đoán các thuê bao nghi ngờ, các thuê bao có hành vi tương tự như shipper, xe ôm…, dựa vào các đặc điểm mà Big Data cung cấp. Công nghệ thứ ba là tri thức viễn thông - một lợi thế lớn của Viettel khi đã chủ động xây dựng các tổng đài liên quan từ tin nhắn, tính cước, chặn lọc… gồm cả phần cứng đến phần mềm, vì thế có thể linh hoạt, chủ động trong việc chặn lọc cuộc gọi rác.
Đại diện VNPT cho hay, VNPT đã xây dựng và thử nghiệm giải pháp kỹ thuật để phát hiện cuộc gọi rác, lập danh sách thuê bao phát tán cuộc gọi rác cần chặn. Căn cứ dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi, đầu code số điện thoại, đồng thời áp dụng các thuật toán dự đoán trên hạ tầng Big Data, Machine Learning, trí tuệ nhân tạo (AI) tới tất cả cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng, VNPT xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác hoặc lừa đảo để ngăn chặn.
Theo ông Nguyễn Minh Thắng, Phó cục trưởng tập sự Cục Viễn thông, Cục sẽ chỉ đạo các nhà mạng tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo, cuộc gọi “rác”. Đồng thời, phối hợp với cơ quan công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo số điện thoại nhằm lừa đảo, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh và trật tự xã hội, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng với các giải pháp công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Cùng với giải pháp công nghệ của các nhà mạng, đây được coi là “chiếc gậy thứ hai” để giảm và ngăn chặn rác viễn thông.