Độc quyền vàng miếng SJC được coi là thủ phạm dẫn tới chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh: Đức Thanh |
Tranh cãi về việc cho phép nhập khẩu vàng vật chất
Cuối tuần qua, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh ngay sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng và cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng.
Tuy vậy, theo thông tin của Báo Đầu tư, đây chưa phải là phương án cuối cùng được NHNN “chốt” để trình Chính phủ. Mặc dù giải pháp này được nhiều chuyên gia đề xuất, song những lo ngại liên quan giải pháp này cũng không ít.
Độc quyền vàng miếng SJC được coi là thủ phạm gây ra khan hiếm nguồn cung, dẫn tới chênh lệch giá vàng kéo dài, tạo bất ổn thị trường vàng. Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giải pháp giải quyết vấn đề này là cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức, đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng.
Cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch được NHNN cấp trên cơ sở tính toán các yếu tố về kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá… cũng là đề xuất được nhiều chuyên gia kiến nghị. Tuy vậy, xung quanh giải pháp này đang có hai luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, nhập khẩu vàng theo hạn ngạch được NHNN cấp sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá, vàng hóa và kinh tế vĩ mô. Thực tế, dù NHNN không cho phép, thì nền kinh tế vẫn đang phải chi hàng tỷ USD qua con đường nhập khẩu vàng phi chính thức để đáp ứng nhu cầu vàng trong nước khoảng 50-60 tấn/năm.
“Ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ, thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức, thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, cho phép nhập khẩu vàng sẽ giúp kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và giúp Nhà nước không bị thất thu thuế”, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Tuy nhiên, ở luồng ý kiến thứ hai, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối không quá dồi dào, đánh đổi nguồn ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng là không cần thiết và gây rủi ro cho nền kinh tế. Còn nhớ, năm 2022, khi tỷ giá nổi sóng, NHNN phải bán ra hàng chục tỷ USD để can thiệp, song vẫn như “muối bỏ bể”. Nếu tỷ giá và vàng đồng loạt nổi sóng, thì kho ngoại tệ dự trữ khó có khả năng chống đỡ.
Không nên lập sàn vàng, song cần cân nhắc chứng chỉ vàng
TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, nếu không cẩn thận, cho phép nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới mất cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, chưa nói ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế với bên ngoài.
Có lẽ, đây chính là lý do khiến NHNN thận trọng với phương án cho phép nhập khẩu vàng. Theo các chuyên gia, trong trường hợp NHNN cấp phép hạn ngạch nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp, thì cũng phải đồng thời đưa ra các cơ chế phù hợp để khuyến khích ngành vàng nữ trang phát triển, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu vàng nữ trang, giúp cân bằng nguồn ngoại tệ.
- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Ngoài nhập khẩu vàng vật chất, một cách nữa để đáp ứng nguồn cung vàng trong nước là phát triển các sản phẩm vàng phi vật chất, mô hình sàn giao dịch vàng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
GS-TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, NHNN nên phát hành chứng chỉ vàng, đồng thời thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Sàn vàng được vận hành như một sở giao dịch hàng hóa, giao dịch vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng tiêu chuẩn chặt chẽ. Cùng với đó là việc thành lập quỹ tín thác bằng vàng để phát huy vai trò như quỹ bình ổn, góp phần làm kinh tế vĩ mô ổn định.
Dù vậy, nhiều ý kiến lại lo ngại, mô hình sàn vàng có thể dẫn tới nguy cơ đầu cơ vàng và hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, không nên thành lập sàn giao dịch vàng, vì điều này sẽ kích thích người dân đầu tư vào vàng miếng, đi ngược lại chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế. Chưa kể, hiện nay, nhiều nước cũng không còn đi theo mô hình quản lý này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, nên tính tới các hình thức mua bán vàng số hóa phù hợp, không nên thành lập sàn vàng.
“Thành lập sàn vàng sẽ khuyến khích đầu tư vàng, gây rủi ro vàng hóa nền kinh tế. Việc nhập khẩu vàng ở mức độ phù hợp là cần thiết, song phải trên cơ sở tính toán của NHNN về các cân đối vĩ mô, ưu tiên hướng ngoại tệ phục vụ nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, thay vì đầu tư vào vàng. Ngoài ra, cần kiểm soát vàng nhập lậu, nghiên cứu yêu cầu doanh nghiệp vàng kết nối trực tiếp với cơ quan thuế xuất hóa đơn mua bán vàng từng lần để minh bạch thị trường vàng. Làm được như vậy, sức ép với tỷ giá và vàng sẽ giảm”, ông Thịnh đề nghị.