Đầu tư
Hải Phòng - vị thế ngày càng được khẳng định
Thu Lê - 11/05/2022 09:53
Cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Hải Phòng đang ngày càng khẳng định vị thế trung tâm kết nối, liên kế vùng.
Cửa ngõ phía Nam, hướng ra biển của TP. Hải Phòng Ảnh: Hồng Phong

Là cửa ngõ của miền Bắc

Cuối năm 2021, khi làm việc với TP. Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, phải xây dựng Hải Phòng thành trung tâm liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, vì đầu tư cho Hải Phòng là rất lớn, vị trí, điều kiện của Hải Phòng rất thuận lợi.

Hải Phòng hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không…, nhờ đó thuận lợi giao thương, kết nối với các tỉnh trong nước và quốc tế. Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng quốc tế Lạch Huyện… ngày càng trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, hiện 5 hành lang kinh tế tạo bộ khung phát triển cho các tỉnh phía Bắc đều đi qua hoặc kết nối với Hải Phòng. Đó là Hành lang Hà Nội - Hải Phòng theo Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang kinh tế nội thành Hà Hội - Nội Bài - Hạ Long; Hành lang kinh tế Hà Nội - Việt Trì qua TP. Vĩnh Yên theo đường cao tốc mới; Hành lang kinh tế ven biển (Móng Cái - Quảng Ninh - Hải Phòng - Kim Sơm - Ninh Bình); Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn theo tuyến Quốc lộ 1.

“Nói cách khác, Hải Phòng là của cả nước, của khu vực và là cửa ngõ quốc gia. Các hành lang kinh tế cuối cùng sẽ đổ về Hải Phòng để tỏa đi khắp thế giới”, ông Cung khẳng định.

Vậy nên, Hải Phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Bắc; là một trong 3 đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng (cùng với Hà Nội và Quảng Ninh). Thành phố này còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

“Hải Phòng không chỉ là trung tâm kết nối về logistics, mà còn một trung tâm kinh tế quan trọng. Vì thế, Trung ương luôn dành sự quan tâm và đầu tư có trọng điểm, trọng tâm cho Hải Phòng”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chia sẻ.

Tăng cường liên kết vùng

Hải Phòng đang cùng với các địa phương xung quanh như Hải Dương, Quảng Ninh thắt chặt mối liên kết vùng thông qua việc triển khai nhiều dự án giao thông kết nối giữa các địa phương với nhau.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, giữa Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã hoàn thành nhiều tuyến kết nối giao thông nhằm xóa bỏ ngăn cách các huyện, thị xã tiếp giáp, thuận lợi cho lưu thông giao thương.

Cụ thể, với Hải Dương, hai bên đã xây dựng cầu Dinh và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn, Hải Dương với đường tỉnh 352 huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; xây tuyến kết nối đường tỉnh 390 huyện Thanh Hà, Hải Dương vượt sông Thái Bình nối Quốc lộ 10 huyện An Lão, TP. Hải Phòng. Trong đó, Hải Phòng xây dựng cầu Quang Thanh và đường dẫn; xây dựng đường dẫn đầu cầu, hoàn thành đồng bộ cùng thời điểm thông xe với công trình cầu Quang Thanh.

Giữa tỉnh Quảng Ninh với TP. Hải Phòng, đã hoàn thành Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Cùng với giao thông, các địa phương đã tích cực phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản; tích cực triển khai liên kết hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, tạo không gian phát triển chung giữa ba địa phương...

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, Quảng Ninh cùng các địa phương hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và hồ sơ Vịnh Hạ Long -  Cát Bà trình UNESCO công nhận là di sản thế giới....

Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục hợp tác với Hải Dương đầu tư xây dựng 3 dự án hạ tầng giao thông mới. Đó là cầu vượt sông Phi Liệt và đường dẫn nối Quốc lộ 17B, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng); tuyến nối Quốc lộ 5, trục Đông Tây huyện Kim Thành với Quốc lộ 10 qua Khu công nghiệp Tràng Duệ mở (nhánh 1); đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 17B đến cầu Dinh.

Với Quảng Ninh, hai địa phương đã thống nhất ưu tiên triển khai các dự án kết nối giao thông trọng điểm gồm: xây dựng cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP. Hải Phòng); đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…

Ngày 13/5 tới, Dự án Đầu tư, xây dựng cầu Bến Rừng bắc qua sông Đá Bạc (còn gọi là sông Đá Bạch) nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, có quy mô vốn gần 2.000 tỷ đồng sẽ được khởi công. Còn Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng cũng đang được gấp rút thực hiện để đến trước Tết Nguyên đán 2023, hoàn thành đoạn tuyến từ quận Đồ Sơn đến đường 212 huyện Tiên Lãng và chậm nhất đến ngày 30/4/2023, hoàn thành tuyến nối Hải Phòng - Thái Bình.

Vị thế ngày càng được khẳng định

Tại Nghị quyết 45-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Hải Phòng phải tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh liên kết vùng trong Tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối cảng biển…”.

Từ khi Nghị quyết 45-NQ/TW được ban hành đến nay, Hải Phòng đã có nhiều bước chuyển lớn về hạ tầng giao thông và chuẩn bị khởi động những dự án động lực mới, như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, các tuyến đường vành đai, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc Lạch Huyện.

Hải Phòng cũng đề nghị Trung ương việc đầu tư đường giao thông phía sau các bến tại Cảng quốc tế Lạch Huyện; sớm đầu tư xây dựng bổ sung cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu để khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi. HĐND Thành phố đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - Bùi Viện (quận Hải An, Dương Kinh và Kiến An) với chiều dài 10,6 km, vốn đầu tư hơn 7.439 tỷ đồng; Dự án Xây dựng, cải tạo đường 359 đoạn từ Cầu Bính đến xã Trung Hà (huyện Thủy Nguyên), tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng đã được cải thiện rất tích cực. Theo kết quả xếp hạng PCI Việt Nam năm 2021, Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí á quân. Đây là minh chứng rõ nét về hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền thành phố và niềm tin của doanh nghiệp.

Nhờ những chuyển biến quan trọng nêu trên, Hải Phòng tiếp tục khẳng định sức hút lớn của mình với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hải Phòng cũng là nơi mà Tập đoàn Vingroup xây dựng nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam. Các tập đoàn lớn khác như Sun Group, Gleximco, BRG… cũng đang có nhiều dự án lớn triển khai tại Hải Phòng.

Định hướng cho hoạt động của Hải Phòng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, ông Tùng cho biết, Thành phố vẫn xác định phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững về kinh tế - xã hội, giữ ổn định an ninh, quốc phòng.

Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, hiện đại; du lịch theo hướng du lịch sinh thái, chất lượng cao; dịch vụ theo hướng tiên tiến, thông minh, thuận lợi; nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Phát huy tối đa lợi thế cảng biển Lạch Huyện là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc…

“Có như vậy, Hải Phòng mới phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm kết nối, liên kết vùng; đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Trung ương và điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng, lợi thế của Thành phố”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác