Tiêu dùng
Hải Phòng bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2021
Thanh Sơn - 21/01/2021 20:33
TP Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn giá, cung ứng thực phẩm và các nhu phẩm thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo sẽ không biến động lớn. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại. Nguồn cung đối với 9 nhóm hàng bình ổn gồm gạo tẻ, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau, củ quả, thực phẩm chế biến tăng từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái...

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng thông tin tại Hội nghị Giao ban báo chí diễn ra ngày 21/1

Để đảm bảo bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công thương đã chỉ đạo doanh nghiệp, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; tổ chức cung ứng lượng hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh dự trữ hàng hóa để đưa tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết.

Về thời gian hoạt động của các hệ thống phân phối trong dịp Tết, đối với hệ thống chợ sẽ hoạt động liên tục, không nghỉ. Tại hệ thống siêu thị như AEON MALL hoạt động đến 19h ngày 11/02 (30 tháng Chạp), mở cửa lại vào 11h sáng ngày 12/02 (mồng 1 Tết). Siêu thị Mega Market hoạt động đến 12h ngày 11/02, mở cửa trở lại vào 8h ngày 14/02 (mồng 3 Tết). Siêu thị Big C hoạt động đến 14h ngày 11/02, mở cửa trở lại vào 8h ngày 13/02 (mồng 2 Tết). Siêu thị Coopmart hoạt động đến 12h ngày 11/02, mở cửa trở lại vào ngày 16/02 (mồng 5 Tết).

Qua đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn, Thành phố đã đưa ra các biện pháp đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ trên địa bàn, hạn chế hình thức đầu cơ găm hàng số lượng lớn gây biến động thị trường. Đồng thời, chỉ đạo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại nguồn cung mặt hàng thịt lợn trên địa bàn thành phố từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất, tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh các mặt hàng thịt lợn có nguồn hàng ổn định. Bên cạnh đó, Cục quản lý thị trường cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu.

Thành phố Hải Phòng cũng tiến hành vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia Chương trình bình ổn thị trường; phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế thông tin đến các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về việc nghiên cứu sắp xếp, bố trí địa điểm để phục vụ công tác tổ chức bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng tham gia chương trình bình ổn thị trường với hạn mức tín dụng 250 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Nam Hải Phòng tham gia với hạn mức tín dụng 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng như tổ chức “Tháng khuyến mại - Kết nối sản xuất và tiêu dùng Hải Phòng thời kỳ 4.0”; 2 phiên chợ hàng Việt về hải đảo huyện Cát Hải cũng được triển khai tích cực. Một số doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo...

Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 20/3, các đoàn liên ngành TP.Hải Phòng sẽ tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm

Nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 20/3/2021, thành phố sẽ tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo báo cáo của sở Công thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2020 đạt 144.068 tỷ đồng, tằng 8,67% so với năm 2019. Với hệ thống mạng lưới phân phối kết hợp giữa truyền thống và hiện đại gồm 156 chợ, 25 siêu thị, 11 trung tâm thương mại, 107 cửa hàng Vinmart+ cùng hàng nghìn cửa hàng bách hóa (trong đó hệ thống kinh doanh hiện đại chiếm gần 35% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn), đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.
Tin liên quan
Tin khác