Theo quyết định, UBNQ quận Đồ Sơn có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, duy trì các điều kiện, các tiêu chí công nhận điểm du lịch, ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan; phát triển điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác có liên quan; bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Đồng thời, đề nghị Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND quận Đồ Sơn trong việc quản lý, khai thác, duy trì các điều kiện, các tiêu chí công nhận điểm du lịch, phát triển điểm du lịch, bảo đảm hiệu quả, bền vững.
Trong quá trình hoạt động, nếu điểm du lịch không bảo đảm các điều kiện theo quy định, UBND thành phố sẽ thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch.
Tháp Tường Long được xây dựng từ thế kỷ XI, đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, một trong 9 ngọn thuộc hệ thống núi đồi của Đồ Sơn. Năm 1059, vua Lý Thánh Tông đặt tên tháp là Tường Long. Tháp có bốn góc đều nghiêng khoảng 190 độ. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tuợng A di đà. Công trình đuợc xây bằng gạch và đá có kích thuớc khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh... cách trang trí nghệ thuật điển hình thời Lý.
Tháp Tường Long, Đồ Sơn, Hải Phòng |
Tòa tháp được biết đến như một Trung tâm văn hóa lịch sử lớn của Việt Nam dưới thời Lý. Cái tên Tường Long mang ý muốn ghi lại điềm lành. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia năm 2005.
Tháp Tường Long hiện tại được bắt đầu phỏng dựng vào năm 2007, là công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, khánh thành ngày 19/11/2017. Tháp có hình vuông, 9 tầng, cao 37,14m. Vỏ tháp được xây bằng gạch gốm, cách trang trí đặc trưng thời Lý. Hàng năm, tháp Tường Long đón hàng vạn lượt du khách về tham quan và chiêm bái.
Quận Đồ Sơn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Khu di tích K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại, bến Nghiêng - nơi chứng kiến những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc Việt Nam, chùa Hang, đền Bà Đế, Hòn Dáu...
Ngoài ra, về ẩm thực, Hải Phòng có 4 đặc sản Hải Phòng lọt vào Top món ăn và quà tặng Việt Nam năm 2020-2021 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công bố. Trong đó, “Cá mòi kho Kiến Thụy” và “Bánh đa cua” lọt vào Top 100 món ăn đặc sản, “Gạo ruộng rươi Kiến Thụy” và “Nước mắm Cát Hải độ đạm 50” lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.