Sáng 4/10, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2024.
Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 |
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,77% so với cùng kỳ năm 2023, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 8 cả nước, thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng 14,09% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 đạt 87.822,22 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 89,8% dự toán Trung ương giao và đạt 82,3% dự toán HĐND Thành phố giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,78 tỷ USD, đạt 89% kế hoạch năm.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, thông tin tại hội nghị, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/9/2024, vốn đầu tư công Thành phố giao đã giải ngân 8.887,632 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,2 tỷ đồng), bằng 44% kế hoạch Thành phố giao (19.972,7 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 147,563 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20%; vốn ngân sách Thành phố đã giải ngân là 8.740,068 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45% kế hoạch thành phố giao.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố |
Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm đang dần được hoàn thiện |
Theo số liệu ước giải ngân của Bộ Tài chính đến hết ngày 30/9/2024, tình hình chung toàn quốc giải ngân thấp, bình quân cả nước giải ngân 46,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 41,3% kế hoạch các địa phương giao.
Nếu so sánh tỷ lệ giải ngân Kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, Hải Phòng đứng thứ 27 toàn quốc (tăng 4 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, giảm 1 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên bậc so với tháng 8/2024).
Nếu so sánh tỷ lệ giải ngân so với Kế hoạch vốn các địa phương giao, Hải Phòng đứng thứ 33 toàn quốc (tăng 2 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hà Nam, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, tăng 1 bậc so với tháng 8/2024); đứng thứ nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên bậc so với tháng 8/2024).
Cụ thể, đối với các dự án do UBND Thành phố giao kế hoạch vốn có 22 chủ đầu tư được giao tổng cộng 10.752,452 tỷ đồng, đến ngày 30/9/2024, đã giải ngân được 5.254,704 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch vốn. Trong đó, có một số chủ đầu tư giải ngân cao như Sở Y tế (100%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (100%), huyện An Lão (100%), huyện Vĩnh Bảo (90,22%), quận Ngô Quyền (72%), huyện Tiên Lãng (70%).
Vốn đầu tư công bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, đến hết ngày 30/9/2024, 15 quận, huyện đã giải ngân 1.797,404 tỷ đồng/4.649,753 tỷ đồng, đạt 39%. Trong đó, huyện Kiến Thụy (71%), huyện Tiên Lãng (69%), quận Đồ Sơn (63%), huyện Bạch Long Vĩ (58%), huyện An Lão (56%), huyện Thủy Nguyên (56%), huyện Cát Hải (53%).
Đối với vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, đến hết ngày 30/9/2024, có 6 huyện đã giải ngân 1.761,494 tỷ đồng/3.490,025 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 50,5%. Huyện Thủy Nguyên (79%), huyện Vĩnh Bảo (50%), huyện Tiên Lãng (43%), huyện An Lão (38%), huyện Kiến Thụy (25%).
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm 2024, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 2257-TB/TU ngày 27/8/2024 về công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tình hình giải ngân vốn đầu tư công thành phố năm 2024, trong đó chỉ đạo 12 giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.
Thành phố sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo tỷ lệ giải ngân 95% theo kế hoạch. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án. Tham mưu rút ngắn thời gian thẩm định các bước từ 30 – 50% theo quy định của Luật. Khẩn trương đề xuất phương án phân bổ chi tiết hết số vốn ghi thu ghi chi tiền đất năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt quyết toán. Triển khai kịp thời Luật Đất đai năm 2024 và ban hành các văn bản theo thẩm quyền.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đối với công tác cấp giấy phép môi trường, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định, phê duyệt mảnh trích đo địa chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản của Thành phố về đơn giá cây trồng, vật nuôi là thuỷ sản, chi phí đầu tư trên đất và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.