Hải Phòng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có KKT Đình Vũ – Cát Hải với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Đây là một trong những KKT ven biển thành công nhất cả nước, là một điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải là hình mẫu của Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng. Ảnh: Huy Dung |
Đến nay, KKT Đình Vũ – Cát Hải đã thu hút gần 32 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước; trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu - một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của TP. Hải Phòng như các dự án của Tập đoàn LG (hơn 8,2 tỷ USD), dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (khoảng 7,6 tỷ USD), các Dự án Brigdestone (1,2 tỷ USD), Regina Miracle International (1 tỷ USD), Pegatron (gần 900 triệu USD)...
Từ những lợi thế đó, với định hướng phát triển tuyến cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn, việc di chuyển các cảng dọc sông Cấm ra khu vực sông Văn Úc và việc hình thành sân bay Tiên Lãng trong tương lại, TP. Hải Phòng đang xây dựng phương án thành lập KKT ven biển Nam Hải Phòng.
Quang cảnh Hội nghị |
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thì, việc thành lập KKT mới là nhằm tranh thủ dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. Với vị trí quan trọng trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, nằm tại 3 hành lanh kinh tế quan trọng, KKT ven biển Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng. KKT ven biển Nam Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành một khu kinh tế sinh thái, tuần hoàn, năng động và bền vững; Trung tâm kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; hệ thống đô thị - dịch vụ hiện đại, năng động; trong khi vẫn tôn trọng bản sắc văn hóa và kết nối với các khu vực hiện hữu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã biểu dương nỗ lực, cố gắng của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C và đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành phương án thiết kế tổng thể, với ý tưởng độc đáo, phù hợp xu thế phát triển xanh, bền vững của đất nước và Thành phố. Bí thư Thành ủy cơ bản đồng tình với định hướng, ý tưởng, nhất là đề cao giá trị sống của người dân. Bí thư Thành ủy yêu cầu, thiết kế tổng thể phải tuân thủ nghiêm các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ thông qua, đồng thời các đơn vị tham khảo kỹ lưỡng mô hình các Khu kinh tế đã thành công trên thế giới, lưu ý bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững; khả năng đầu tư của thành phố và thu hút đầu tư; xác định rõ quy mô và phân kỳ đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn...
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì và phát biểu tại Hội nghị |
“Sân bay quốc tế Tiên Lãng và Cảng Nam Đồ Sơn là 2 dự án động lực của Khu kinh tế được đưa vào quy hoạch ngành và dự kiến thực hiện sau năm 2030. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển Khu kinh tế, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn để đưa các dự án vào quy hoạch vùng và phấn đấu thực hiện trước năm 2030. Đồng thời nghiên cứu sâu 2 động lực này để bảo đảm tính kết nối đối với các khu vực, các lĩnh vực của Thành phố”, ông Châu nhấn mạnh.
Theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving (Bỉ), ý tưởng thiết kế quy hoạch KKT này sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chính để phát triển kinh tế bền vững. Đó là logistics, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản khác. Ba điều này sẽ thúc đẩy phát triển và cạnh tranh với các KKT khác trong khu vực.
Đại diện đơn vị tư vấn Omgeving (Bỉ) trình ý tưởng thiết kế quy hoạch KKT |
Cũng theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving, ý tưởng chủ đạo trong thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế ven biển phía Nam gồm 4 yếu tố: Vòng tuần hoàn xanh; kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; điểm đến cho cuộc sống năng động. Theo đó, KKT sẽ có các dự án động lực như: Sân bay quốc tế Tiên Lãng, Cảng Nam Đồ Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư bản địa, khu vực đất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững.
Phối cảnh |
Đặc biệt, đề xuất quy hoạch tổng thể là hoàn toàn tuân thủ theo quy hoạch chung của Thành phố Hải Phòng đến năm 2040. Đại diện đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất một chiến lược phân kỳ đầu tư thông minh cho các dự án đầu tư hạ tầng kĩ thuật. Trong đó, việc phát triển bắt đầu bằng việc hoàn thành các đường cao tốc ven biển và sau đó là hệ thống cảng biển để làm động lực phát triển cho khu vực. Từ những định hướng về sử dụng đất tổng thể như vậy, ý tưởng về thiết kế một cửa ngõ với vòng tuần hoàn xanh sẽ trở thành một điểm đến công nghiệp sinh hoạt và làm việc bền vững cho người dân, cho cả những nhà đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực như logistics, phát triển công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời là một khu vực đang sinh sống cho người lao động. Cùng với sự kết hợp giữa hai yếu tố vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn văn hóa và thì đây sẽ là một ý tưởng tốt cho KKT.
Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND Thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện thiết kế quy hoạch tổng thể Khu kinh tế, kèm với hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Giao UBND Thành phố và các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc, phấn đấu hoàn thành thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam trong năm 2024.