Diễn đàn được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thành tựu về phát triển công nghiệp TP. Hải Phòng, đồng thời, tạo cầu nối để các doanh nghiệp phụ trợ, các nhà đầu tư, nhà sản xuất trên địa bàn Thành phố có cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI.
Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) Hải Phòng thu hút 200 tổ chức, doanh nghiệp tham gia. |
Tham dự Diễn đàn có hơn 200 tổ chức, doanh nghiệp là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và một số trường đại học trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Diễn đàn là sáng kiến hiệu quả và càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Chúng tôi tin rằng, Diễn đàn sẽ là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố”.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu khai mạc. |
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ, đào tạo... trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết nối nhu cầu mua/bán nhằm mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các “ông lớn” FDI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tương lai.
Tại Diễn đàn, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đối với việc phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Được biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm tết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao: giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2022 chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Với 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có diện tích 22.540 ha thành lập từ năm 2008 và 14 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 6.126 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 63,5%. Đến nay, đã thu hút hơn 39 tỷ USD (gồm 501 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 25,72 tỷ USD và 217 dự án trong nước với tổng vốn 13,28 tỷ USD) đứng thứ 6 cả nước, thứ 2 miền Bắc.
Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Ảnh: Thùy Dung |
Tính riêng trong giai đoạn giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 16,8 tỷ USD chiếm khoảng 42,7% tổng vốn đăng ký đầu tư 30 năm thu hút đầu tư vào KKT, KCN. Với sự kiện ngày 22/9, HEZA đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, Hải Phòng đã trở thành “quán quân” về thu hút FDI trong cả nước khi tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/9, các KCN, KKT đã thu hút đạt hơn 3 tỷ USD (đạt 120% kế hoạch năm, hoàn thành chỉ tiêu trước 4 tháng).
Các KCN, KKT của Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác. Nổi bật đó là Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone với 1,224 tỷ USD; Pegatron với 900 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) với 500 triệu USD...
Tại Diễn đàn, ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ, TP. Hải Phòng cần ban hành các quy định và tổ chức các hội thảo, hoạt động để giúp các doanh nghiệp trong nước được đào tạo, học hỏi về những tiêu chuẩn, quy định cũng như trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng rất sẵn sàng tham gia những hoạt động như thế này.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đề xuất một số giảii pháp tăng cường thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố. |
Theo bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, để tăng cường thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI thì Thành phố cần xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp của thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
“Thành phố đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì những kết quả kinh doanh tích cực, đảm bảo công việc cho người lao động. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành với thành phố trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp khác cùng tham gia đầu tư vào thành phố. Tiếp nối và phát huy những kết quả đạt được, tôi tin rằng, Thành phố Hải Phòng và cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng phát triển, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai”, ông Thọ khẳng định.
Ký kết biên bản ghi nhớ tại Diễn đàn. |
Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết 7 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI. Đó là: Công ty TNHH Serveone (Việt Nam) với Công ty TNHH Cơ điện lạnh Quang Thắng, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ LEANMAC, Công ty cổ phần Công nghiệp phụ trợ SKV Việt Nam, Công ty TNHH Kosame Việt Nam; Công ty TNHH Heesung Electronics Việt Nam với Công ty TNHH Công nghiệp Bảo Tiên và Công ty cổ phần Nhựa kỹ thuật Vân Long; Công ty HKT Electronics Việt Nam và Công ty TNHH Hùng Cường.
Trước đó, cũng trong sáng 29/9, trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI. Triển lãm nhằm kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp, các tổ chức chia sẻ, tìm kiếm, liên kết để cùng phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Lễ khai mạc Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI. |
Thông qua Triển lãm này, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước cũng như những cơ hội để hợp tác, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đồng thời cũng nắm bắt nhu cầu, và yêu cầu của các doanh nghiệp FDI cũng như các yêu cầu về tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng tham quan các gian hàng công nghệ. |
“Chúng tôi hy vọng rằng, sau Triển lãm, các doanh nghiệp có thể đạt được một số thỏa thuận ban đầu để có thể tiếp tục bàn bạc chi tiết hơn trong việc hợp tác cung ứng nguyên, vật liệu, trang thiết bị, lao động và các dịch vụ liên quan phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Từ đó, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của thành phố, đưa các doanh nghiệp trong nước nói riêng và thành phố nói chung tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng |