Tại hội thảo chiều 18/8, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Chủ nhiệm Dự án lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng trình bày báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là dự thảo báo cáo cuối kỳ. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư Hải Phòng cho biết, sau khi ghi nhận các ý kiến tham vấn tại hội thảo, Thành phố sẽ hoàn thiện Quy hoạch và trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay.
Hội thảo tham vấn ý kiến vào báo cáo cuối kỳ Quy hoạch thành phố Hải Phòng có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về kinh tế, quy hoạch, và một số lĩnh vực chuyện môn như môi trường, du lịch, giáo dục,... Ảnh: Thanh Sơn. |
Theo Báo cáo Tóm tắt Quy hoạch thành phố Hải Phòng, mục tiêu được đề ra tại Quy hoạch là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Cùng với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo nêu ra 2 khâu đột phá mà Hải Phòng nên tập trung trong thời gian tới là xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng và xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng liên kết với các tỉnh vùng Duyên hải Đông Bắc
Các kịch bản phát triển dân số, kinh tế cũng đã được nêu ra tại Báo cáo. Theo đó, kịch bản tăng trưởng dân số có 2 phương án. Với kịch bản A (kịch bản cơ sở) lấy năm gốc 2020 là 2.179 nghìn người (số liệu của Công an Thành phố), thì đến năm 2025 và 2030 sẽ là khoảng 2.300 và 2.400 nghìn người. Còn theo kịch bản B (kịch bản thực tế) thì đến năm 2025 sẽ là khoảng hơn 2,4 triệu người và đến năm 2030 sẽ là khoảng 2,7 - 2,8 triệu người.
Theo đánh giá tại báo cáo, Kịch bản B được đánh giá là có tính thực tế hơn, nên trong phân tích các phương án phát triển kinh tế dưới đây, quy mô dân số và nguồn lực lao động sẽ chủ yếu dựa trên các số liệu dự tính của kịch bản B.
Đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế, thì kịch bản 2 và 3 được khuyến nghị ưu tiên lựa chọn. Trong đó, theo kịch bản 2 (kịch bản tăng trưởng cao) được xây dựng trên giả định tăng trưởng kinh tế bình quân trong 10 năm tới (2021-2030) tương đương với mức tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 của Hải Phòng là khoảng 14%/năm.
Kịch bản 3 (kịch bản đột phá) được xây dựng dựa trên giả định tăng trưởng kinh tế bình quân trong 10 năm tới (2021-2030) tương đương với mức tăng trưởng của Hải Phòng năm cao nhất trong 10 năm qua: khoảng 17%/năm (2018: 16,19% và 2019: 17,41%; bình quân 2 năm này là 16,8%). Kịch bản này có mức tăng trưởng cao hơn nhiều mức được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI (14,5%/năm), cũng như mức của Nghị quyết 45-NQ/TW và Quyết định số 821/QĐ-TTg (13%/năm). Tuy cao, nhưng là mức thực tế Hải Phòng đã đạt được trong các năm 2018 và 2019.
PGS. TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng đóng góp ý kiến tại Hội thảo. |
Cho dù chọn phương án nào thì cho tới nay, các điều kiện thực hiện các mục tiêu Quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng cũng đều còn 3 vấn đề lớn về nguồn lực nhất định phải có giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Trong đó thu hút vốn đầu tư, theo TS.Nguyễn Đình Cung sẽ đòi hỏi Hải Phòng phải có những giải pháp có tính đột phát lớn để thu hút được các nguồn lực đầu tư. Hiện kết quả tổng hợp nguồn vốn đầu tư từ một số công trình, dự án trong điểm của Hải Phòng đã được xác định cho giai đoạn 2021-2025 mới đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với phương án tăng trưởng cao còn thiếu khoảng 700 nghìn tỷ đồng và so với phương án đột phá còn thiếu khoảng 900 nghìn tỷ đồng.
Với Bản cáo cuối kỳ này, Hải Phòng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp phản biện của các chuyên gia, nhà phân tích có mặt tại Hội thảo. Có nhiều nhóm vấn đề được các chuyên gia tập trung chỉ ra: gồm phải tính toán các chỉ tiêu theo giai đoạn sao cho phù hợp với chỉ tiêu đã được Nghị quyết 45-NQ/TW, nên bổ sung tầm nhìn chiến lược với dấu mốc từ năm 2024 - 2050 (tiếp nối theo Nghị quyết 45); tốc độ tăng dân số theo các kịch bản đưa ra còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế; cân nhắc viêc đưa nội dung xây dựng Khu thương mại tự do vào đề án hay không; yếu tố liên kết vùng chưa được rõ nét; phát triển du lịch cũng là 1 trong 2 giải pháp đột phá, song lại thiếu sự phân tích và chỉ ra những điểm nghẽn đang làm chậm lại sự phát triển ngành này; làm rõ những động lực tạo đột phát cho phát triển của Hải Phòng...
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trục UBND thành phố Hải Phòng khẳng định: “Những ý kiến đóng góp hôm nay, sẽ được Hải Phòng ghi nhận, tổng hợp và có những điều chỉnh lại sao cho phù hợp, đảm bảo tiến độ, kịp trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022”.