Thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới
Nghị quyết số 45-NQ/TW 19 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định phát triển TP. Hải Phòng với 3 trụ cột chiến lược là cảng biển, công nghiệp và du lịch thương mại, trong đó cảng biển được đưa lên hàng đầu.
Theo đó, Thành phố phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững; là thành phố hàng hải toàn cầu mà cảng là cấu thành chính, đô thị cửa ngõ của Bắc bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước.
Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Hải Phòng là cảng biển đặc biệt trong hệ thống cảng quốc gia với các chức năng cảng cửa ngõ quốc tế, cảng tổng hợp quốc gia. Trong đó, tập trung cao cho phát triển khu bến Lạch Huyện - Nam Đồ Sơn - Văn Úc.
Cụ thể, phát triển tiếp khu bến Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế và mở rộng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, kết hợp quốc phòng an ninh khi có yêu cầu. Đồng thời, bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải); cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng; kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu...
Khu bến Nam Đồ Sơn sẽ có năng lực đón tàu container sức chở đến 18.000 TEU; tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT. Bến cảng sông Văn Úc sẽ đón tàu tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí đến 10.000 tấn...
Tiềm năng của TP. Hải Phòng đang từng bước được khai phá, bắt đầu mang lại thành công với chuỗi cảng biển liên hoàn từ Lạch Huyện vào sông Cấm. Trong tương lai không xa, Hải Phòng sẽ có thêm hàng loạt bến cảng tại khu vực Lạch Huyện (quy hoạch 22 bến) và tại khu vực Nam Đồ Sơn đến cửa sông Văn Úc.
Phát huy lợi thế cảng biển để thu hút đầu tư
Hệ thống cảng biển của Hải Phòng chiếm tới 17,5% số cảng biển Việt Nam, chiếm 73% cảng biển vùng Đồng bằng sông Hồng. Các bến số 1 và số 2 tại cảng nước sâu Lạch Huyện có thể đón tàu hơn 130.000 tấn để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu từ Hải Phòng đến tất cả các cảng biển quốc tế.
Các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được xây dựng dựa trên nền tảng logistics gắn với chuỗi logistics miền Bắc, gắn liền hệ thống cảng biển. Khu kinh tế này đến nay thu hút gần 11 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng, với các nhà đầu tư có tên tuổi như LG, Pegatron, Bridgestone, Nipro Pharma...
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã và đang dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng.
Tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng đang cùng chủ đầu tư đưa vào khai thác các bến cảng nước sâu số 3, 4 (dự kiến khai thác trong tháng 2/2025); các bến nước sâu số 5, 6 (dự kiến vận hành khai thác giai đoạn vào tháng 6/2025), với tổng chiều dài 1.650 m, năng lực thông qua đạt khoảng 3 triệu TEU/năm. Bến số 7, số 8 đang được triển khai thủ tục thi công, với tổng chiều dài 900 m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu TEU/năm.
Đồng thời, Hải Phòng đang trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư các bến số 9, 10, 11, 12 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Các bến cảng nước sâu Lạch Huyện sau khi đi vào hoạt động sẽ là khu vực trung chuyển hàng hóa quan trọng của cả khu vực miền Bắc.
Quy hoạch Khu kinh tế phía Nam phù hợp với quy hoạch chung của TP. Hải Phòng đến năm 2040; trong đó, Cảng Nam Đồ Sơn và Sân bay quốc tế Tiên Lãng, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư bản địa là động lực phát triển của Khu kinh tế phía Nam rộng khoảng 20.000 ha. Khu kinh tế ven biển phía Nam dự kiến mời gọi các nhà đầu tư các lĩnh vực logistics, phát triển công nghiệp công nghệ cao.