Đây là thông tin được ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác trưng bày “Bảo vật An Biên”, hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2024 diễn ra chiều nay (13/3).
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng |
Theo đó, dự kiến Thành phố sẽ trưng bày công khai 300 hiện vật trong sưu tập An Biên (các hiện vật đã có hồ sơ khoa học) tại Bảo tàng Hải Phòng. Các hiện vật được lựa chọn trưng bày có niên đại từ văn hoá Đông Sơn đến quốc gia Đại Việt thế kỷ XIX. Trong đó sẽ trưng bày 21 hiện vật là bảo vật quốc gia.
Toàn cảnh hội nghị |
Đặc biệt, tại đợt trưng bày này, trưng bày bộ sưu tập hiện vật bằng vàng gắn liền tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và đặc biệt là tín ngưỡng của nhân dân Hải Phòng, như lá trầu, quả cau... Đây là những hiện vật gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Chân công chúa (Nữ tướng Lê Chân) - người đặt nền móng hình thành nên Thành phố Hải Phòng ngày nay, được nhân dân tôn kính suy tôn là Thánh Mẫu, là Thành hoàng của Thành phố.
Bộ sưu tập hiện vật bằng vàng gắn liền tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và đặc biệt là tín ngưỡng của nhân dân Hải Phòng |
“Nhóm cổ vật bằng vàng này rất tinh xảo, hiếm thấy và có giá trị văn hóa lịch sử, xứng đáng là bảo vật quốc gia và lần đầu được công bố, đưa ra trung bày cho nhân dân, du khách tham quan, thưởng ngoạn và chiêm bái”, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng |
Bộ sưu tập An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng (Hải Phòng) làm chủ sở hữu, sưu tập trong suốt 40 năm qua. Ông Thăng sẽ cùng với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng triển khai thiết kế không gian, trưng bày, công tác an ninh...
Sau 40 năm sưu tập, 500 hiện vật có hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước được đặt tên là bộ sưu tập An Biên, chia thành bốn nhóm không gian văn hóa. Đó là cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt, thế kỷ XI - XIX; cổ vật Trung Hoa, thế kỷ IX - XIX; cổ vật thời Bắc thuộc, thế kỷ V trước công nguyên đến thế kỷ IX và bộ tượng Phật gỗ, đá thế kỷ XVII - XIX.
9 hiện vật có từ triều Lý gồm bốn ấm, hai liễn và ba đĩa thuộc bộ sưu tập An Biên được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12.2021. Ảnh: Lê Tân |
Trong đó, bộ sưu tập An Biên có 18 món đồ được công nhận là bảo vật quốc gia vào các năm 2021, 2022 và 2023. Năm 2021, 9 hiện vật gốm men trắng, có từ triều Lý gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa nằm trong bộ sưu tập An Biên được công nhận bảo vật quốc gia.
Tiếp đó, năm 2022, có thêm 6 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm 2 chiếc đĩa gốm men ngọc (niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII); đĩa gốm men lam tím (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); lư hương gốm hoa lam (niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV); 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê (niên đại: thế kỷ XVI - XVII).
Ông Trần Đình Thăng và ba bảo vật quốc gia vừa được công nhận ngày 18.1.2024. Ảnh: Lê Tân |
Năm 2023, 3 bảo vật tiếp theo được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Bình đồng Đông Sơn (An Biên), niên đại Văn hóa Đông Sơn, Thế kỷ II - I trước sau Công nguyên; Bình gốm hoa nâu, niên đại Thế kỷ XI - XII; Lư hương gốm men lam xám, niên đại Khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588 - 1591), đời vua Mạc Mậu Hợp.
Cụ thể, Bình đồng Đông Sơn có niên đại thế kỷ thứ II-I trước, sau Công nguyên, được đúc với khối hình lớn, cao 53 cm, đường kính miệng 15,7 cm, thân 37 cm, chân đế 34 cm, trọng lượng 7,5 kg. Bình là tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tiêu biểu của kỹ nghệ đúc đồng và trang trí điển hình của người Việt cổ trên đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn. Điểm độc đáo nhất của bình là chân đế với lối đúc rỗng với đường nét hoa văn liền mạch, khúc chiết, tạo chiều sâu mỹ cảm thưởng ngoạn. Sâu xa hơn, hình thức này còn biểu đạt lối sống, căn tính của cổ nhân về quy luật vạn vật, nhân sinh theo tự nhiên của trời đất. Đây là chiếc bình độc nhất vô nhị tới nay được tìm thấy trong nước và quốc tế.
Bình đồng Đông Sơn là tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tiêu biểu của kỹ nghệ đúc đồng và trang trí điển hình của người Việt cổ. Ảnh: Trần Đình Thăng |
Bình gốm hoa nâu là hiện vật tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao kỹ nghệ gốm thời Lý (1009-1225). Bình cao 25,5 cm, đường kính miệng 22,7 cm, đáy 18 cm, trọng lượng 2,7 kg, được các chuyên gia nhận định là pháp bảo thuộc dòng đồ phục vụ Phật giáo. Pháp bảo dùng đựng xá lợi, pháp thân của bậc trí giác, trí tâm kiết tường để thờ phụng trong bảo tháp hay quốc tự. Bình gốm là bảo vật được tạo tác bởi sự kết tinh giá trị nghệ thuật và tâm thức của nghệ nhân, lấy đạo Phật di dưỡng tinh thần để làm ra loại hình mang nhiều giá trị trên các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng tôn giáo.
Bình gốm hoa nâu là hiện vật tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao kỹ nghệ gốm thời Lý. Ảnh: Trần Đình Thăng |
Lư hương gốm men lam xám có sự kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật đắp nổi, khắc chìm, in dán và tạo khắc độ dày mỏng của lớp men phủ vào đồ án trang trí. Lư cao 41 cm, đường kính miệng 23,5 cm, đế 21 cm, nặng 7,3 kg. Chiếc lư hương là độc bản, khối hình đẹp và còn khá nguyên vẹn. Căn cứ vào đề tài, minh văn cho thấy lư hương do tầng lớp quý tộc, hoàng thân quốc thích đặt làm cung tiến vào nơi tôn nghiêm hay quốc tự.
Lư hương do tầng lớp quý tộc, hoàng thân quốc thích đặt làm cung tiến vào nơi tôn nghiêm hay quốc tự. Ảnh: Trần Đình Thăng |
Dịp trưng bày này, người dân và du khách sẽ được tham quan miễn phí.