Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, trong năm 2022, thành phố đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về nền tảng, kho dữ liệu dùng chung làm cơ sở thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số thành phố. Nhiều chương trình Hội nghị, Hội thảo nâng cao nhận thức được tổ chức tại thành phố, các cơ quan, đơn vị.
Thành phố đã lựa chọn 5 lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên cấp kinh phí để hoàn thành dứt điểm trong 2022. Đó là: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng. Hạ tầng số được cải thiện với số Trạm phát sóng tăng 12%, tốc độ di động tăng 20 bậc, bước đầu có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Hải Phòng (Mobifone khai trương Trung tâm dữ liệu tại Quận Dương Kinh), Viettel, Vinaphone tăng cường trạm phát sóng 5G tại khu vực trung tâm thành phố...
Quang cảnh cuộc họp |
Dịch vụ công trực tuyến tăng trưởng mạnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn thành phố tăng theo từng tháng (trung bình 55%/năm); Cổng Dịch vụ công quốc gia đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Hải Phòng có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 98% cao nhất toàn quốc. 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã, tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, 100% văn bản được gửi trên môi trường mạng. Lĩnh vực Hải quan điện tử được triển khai với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia, (thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1-3 giây); 100% các bệnh viện triển phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng Thông tin Giám định Bảo hiểm xã hội.
Năm 2023, thành phố triển khai kế hoạch chuyển đổi số theo hướng tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tạo điều kiện, nền tảng để tăng tốc Chuyển đổi số thành phố trong giai đoạn mới.
Cụ thể, về phát triển chính quyền số: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 70% hồ sơ công việc tại các cơ quan thành phố; 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. Cơ quan nhà nước thành phố có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có 3 ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Về phát triển kinh tế số: phấn đấu kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 11%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 15%.
Về Phát triển Xã hội số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 90% hộ gia đình, 95% xã, phường, thị trấn; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; Phấn đấu phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 30% người dân sống và làm việc trên trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các ngành tập trung nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2023 |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch TP. Hải Phòng cho rằng, năm 2022 Thành phố đã tập trung cao độ cho công tác chuyển đổi số, thậm chí đã đưa vào chủ đề năm song kết quả thực hiện đạt được chưa cao, kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ nhưng việc thực hiện chưa tương xứng.
Ông Tùng cũng nêu rõ, hiện vẫn còn một số ngành, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Chủ tịch yêu cầu ngành chức năng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại các nhiệm vụ một cách cụ thể, đồng thời tiếp tục tập trung cao thực hiện nhiệm vụ, tích cực hơn nữa nhằm tạo chuyển biến về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ trong năm 2023.