Điểm nóng
Hải Phòng và Quảng Ninh xử lý hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Thu Lê - 09/08/2022 17:36
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, hải quan Hải Phòng và Quảng Ninh đã phát hiện và xử lý hơn 3.800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, tập trung nhiều nhất là Hải Phòng.
TIN LIÊN QUAN

Hải Phòng nộp ngân sách đến gần 900 tỷ đồng từ các vụ bị xử lý

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã xử lý 2.370 vụ. Trong đó, xử lý hành chính 2.334 vụ với số tiền là hơn 31 tỷ đồng; xử lý hình sự 36 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là gần 900 tỷ đồng. Trong đó, riêng trị giá hàng tịch thu bán phát mại đã là hơn 700 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 155 tỷ đồng.

Tính riêng số vụ do Cục quan Hải Phòng phát hiện thì từ đầu năm đến ngày 15/7, đã xử lý 1.981 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu 1 vụ; số vụ liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả 7 vụ; vi phạm hành chính 1.973 vụ.

Các đối tượng thường tập trung vào một số hành vi như không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn…

Tang vật vụ án buôn lậu hải sâm vú đen. Nguồn ảnh: Hải Quan Hải Phòng.

Vụ việc buôn lậu mặt hàng hải sâm vú đen mới được chuyển sang cơ quan điều tra là một trong những vụ điển hình của khai báo không đúng.

Cụ thể, ngày 7/1/2022, Công ty TNHH TM An Hưng mở tờ khai cho 1 container số FCIU5317214, tổng trọng lượng 2 tấn nhập khẩu từ Indonesia qua cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Hàng hóa theo khai báo là “hải sâm khô, mới qua sơ chế thông thường (ướp muối sấy khô) dùng để làm thực phẩm, tên khoa học TERIPANG KERING, đóng gói 25 kg/bao, nhà sản xuất CV.CAHAYA SEJAHTERA, mới 100%”.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì phát hiện 2 tấn hải sâm nói trên là “hải sâm vú đen whitemaei (Holothuria whitemaei)”. Đây là loài có tên trong “Phụ lục II Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã” thuộc “Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)”. Ngày 30/5/2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã ra Quyết định số 897/QĐ-HQHP khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hải Phòng) để điều tra theo quy định.

Quảng Ninh giảm cả về số vụ và giá trị hàng hóa bị phát hiện

Về phía tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 15,347 tỷ đồng (giảm 14% về số vụ và giảm 93,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021). Xử lý hình sự 26 vụ/37 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 1.112 trường hợp. Tiền bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là 8,045 tỷ đồng (trong đó tiền phạt: 6,673 tỷ đồng; bán thanh lý hàng tịch thu: 1,372 tỷ đồng). 

Còn theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 7/2022, cơ quan này bắt giữ, xử lý 20 vụ, trị giá 464 triệu đồng, giảm 31% về số vụ và giảm 9,7% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế cả 7 tháng, đã bắt giữ, xử lý 108 vụ, trị giá hơn 3,1 tỷ đồng, giảm 30% về số vụ, giảm 83% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 7/7, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 bắt giữ và tiêu hủy 540 kg gà đông lạnh, không rõ nguồn gốc. Nguồn ảnh: Hải Quan Quảng Ninh.

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới tiếp tục có chiều hướng gia tăng, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Công tác kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất, nhập khẩu được thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan và quy định của pháp luật. Chủ động trong công tác thu thập thông tin, xác định doanh nghiệp trọng điểm để phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hoá xuất nhập khẩu, gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với hàng bách hoá, hàng tiêu dùng nhập khẩu kể từ khi vào khu vực cửa khẩu đến khi ra khỏi khu vực cửa khẩu (khu vực giám sát hải quan).

Ban Chỉ đạo 389
Tin liên quan
Tin khác