Đầu tư
Hai phương án triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội
Hoàng Thủy - 15/08/2013 14:13
Hôm nay, Tập đoàn PTT (Thái Lan) và tỉnh Bình Định họp báo công bố các thông tin về triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội. Theo đó, có hai phương án triển khai Dự án và PTT dự kiến góp khoảng 20-30% trong toàn bộ vốn đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Sáng 15/8, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã chính thức họp báo công bố việc triển khai thực hiện lập dự án đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định và Tập đoàn PTT thông tin trước báo giới về Dự án

Tại cuộc họp, PTT đã giới thiệu khái quát về Dự án và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn cũng như công bố rộng rãi những bước thực hiện tiếp theo, nhằm giải đáp những thắc mắc liên quan đến tính khả thi, nguồn vốn và lộ trình triển khai của dự án mà lâu nay dự luận rất quan tâm.

Buổi họp thu hút hơn 100 phóng viên báo chí và truyền hình cả nước cùng với gần 150 đại biểu đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và các đối tác tiềm năng của PTT.

Theo ông Sukrit Surabotsopon, Phó tổng giám đốc Điều hành cao cấp Tập đoàn PTT, Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD, được PTT khảo sát và đề xuất xây dựng tại KKT Nhơn Hội với tổng diện tích xây dựng là 2.000ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (30 triệu tấn/ năm).

Nguyên liệu dầu thô sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Châu Phi, Nam Trung Mỹ, với 21 dòng sản phẩm lọc dầu và hóa dầu (gồm 11 sản phẩm lọc đầu và 10 sản phẩm hóa dầu).

Mục tiêu mà PTT hướng tới là tiêu thụ trong nước 50%, 50% còn lại xuất khẩu. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố khác nhau, PTT đã tính tới phương án chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường PTT hướng đến là các nước Đông Á và các nước châu Âu.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn PTT, ông Sukrit cùng các chuyên gia khảo sát Dự án

Phó tổng giám đốc PTT nhìn nhận, chính sách mở cửa đón nhận nhà đầu tư nước ngoài và sự ổn định chính trị tại Việt Nam giúp cho Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là rất thuận lợi cho một tổ hợp quốc tế như Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Theo ông Sukrit, Dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tỉnh Bình Định thông qua việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, giải quyết công ăn việc làm, với nhu cầu lao động trực tiếp từ 10.000đến 30.000 lao động và khoảng 100.000 lao động gián tiếp.

Bên cạnh đó, dự án sẽ kích thích nhu cầu bất động sản và cơ sở hạ tầng khác, khuyến khích sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp phụ trợ như điện nước, vẩn tải và giao nhận, dịch vụ bảo dưỡng.

Khu lọc hóa dầu của Công ty Khang Thông đã được quy hoạch nằm trong khu vực Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội

“PTT kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam nói chung và chính quyền tỉnh Bình Định nói riêng trong việc hình thành cơ chế, chính sách, các thủ tục liên quan để dự án sớm được hình thành” ông Sukrit nói.

Tại cuộc họp, PPT cũng đã chính thức công bố đã lựa chọn 3 nhà thầu tư vấn chính trong lĩnh vực quản lý, kỹ thuật và thương mại. Theo đó, Tập đoàn McKinsey & Company là nhà thầu về chiến lược và quản lý chương trình, Tập đoàn Foster Wheeler đảm nhận cố vấn về kỹ thuật và Nhà thầu HIS đảm nhận cố vấn về thương mại.

Liên quan đến cơ cấu vốn cho dự án, ông Sukrit cho biết, cơ cấu vốn của PTT dự kiến chiếm khoảng 20-30% trong toàn bộ vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên, con số này sẽ được xác định cụ thể khi danh tính đối tác chiến lược của Dự án được công bố trong vòng 9 tháng tới.

Để có đủ nguồn vốn khoảng 28 tỷ USD cho dự án này, PTT đang xây dựng một chương trình xúc tiến đầu tư cho dự án, qua đó sẽ kêu gọi được những đối tác có năng lực đủ mạnh để cùng thực hiện tổ hợp quốc tế này.

Đại diện PTT rất tự tin sẽ tìm được đối tác hợp tác, dựa vào tính khả thi và hiệu quả của dự án này mang lại, và số vốn đầu tư trên sẽ nhanh chóng huy động thuận lợi.

Theo PTT, trong lĩnh vực lọc hóa dầu, quy mô dự án và sự đa dạng chủng loại sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định thành công dự án.

Lý giải việc lựa chọn Việt Nam đầu tư, đại diện PTT cho rằng, ý tưởng thành lập Tổ hợp lọc hóa dầu quốc tế đủ sức cạnh tranh với những tổ hợp lớn ở những quốc gia khác như Singapore hay Hàn Quốc đã hình thành từ lâu.

Trong khi đó, khu vực Asean đang hướng đến một cộng đồng kinh tế chung, và ý tưởng này sẽ hiện thực trong vài năm tới. Việc lựa chọn Việt Nam, với điều kiện cửa ngõ quốc tế rất thuận lợi cho việc xuất khẩu, trong khi các điều kiện chính sách ở các quốc gia đều như nhau. Đặc biệt, Dự án của PTT là dự án quốc tế, hướng đến mục tiêu phục vụ cho Asean là chính.

Lợi thế lớn nhất của Bình Định là có quỹ đất sạch rộng lớn, điều kiện biển nước sâu kết hợp với nguồn nhân lực giá rẻ,… đây là những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của một dự án tổ hợp quốc tế này.

Thời gian tới, sau khi lập và trình Chính phủ Việt Nam dự án khả thi vào tháng 4/2014, PTT sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả thương mại của dự án; tiến hành thiết kế kỹ thuật bao gồm xác định công nghệ then chốt, ước tính chi phí và xác định khả năng phân phối chia nhỏ khối lượng sản xuất; xây dựng kế hoạch tài chính tối ưu; lựa chọn các đối tác chiến lược thông qua việc nhận diện và đánh giá năng lực đói tác; đánh giá tác động môi trường…

Theo tiết lộ của ông Sukrit, PTT cũng đang cân nhắc thực hiện dự án theo 2 phương án. Phương án thứ nhất là có thể triển khai hoàn thiện toàn bộ dự án theo thiết kế, phương án này có lợi thế là tránh được tình trạng gán ghép từng phần để tạo nên tổ hợp, điều này đã được một số nước thực hiện.

Phương án 2, PTT sẽ đầu tư thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn thực hiện 50% công suất thiết kế. Với phương án này, dự án sẽ dễ dàng thực hiện hơn nhờ quy mô vốn vừa phải, không tạo nên áp lực cho nhà đầu tư.

Về phương án đề xuất cơ chế cho dự án, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban quản lý KKT Bình Đinh cho biết, KKT Nhơn Hội đang có chính sách ưu đãi đầu tư dặc biệt. Tuy nhiên, với dự án lớn thế này, UBND tỉnh Bình Định sẽ đề xuất Chính phủ áp dụng các cơ chế tương đồng với các cơ chế mà các dự án lọc dầu khác đang được hưởng.

Liên quan đến giải quyết mâu thuẫn với các nhà đầu tư hạ tầng KKT đã đăng ký trước, trong đó có nhà đầu tư Khang Thông (TP HCM), với dự án khu phi thuế quan, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, chủ trương chung của tỉnh là sẽ đàm phán mua lại để cấp cho PTT.

Tuy nhiên, phía PTT đang có chính sách hợp tác góp cổ phần thông qua hạ tầng, chính sách này đang được các nhà đầu tư khác quan tâm, trong đó có Khang Thông, với quy mô khu phi thuế quan lên đến 600ha.

Theo ông Lộc, Dự án Tổ hợp lọc Hóa dầu chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng và thành công vì luôn nhận được sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương và địa phương. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp quóc tế lớn, là điểm đến tốt cho caccs nhà đầu tư trong ngành năng lượng.

Ông Lộc cho biết, dự kiến nhu cầu về sản phẩm hóa dầu nhập khẩu tại Việt nam sẽ tăng 4,2 triệu tấn/năm từ nay đến 2020. Vì vậy, Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội không chỉ đáp ứng nhu cầu này với công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày và 6,5 triệu tấn olefins mỗi năm cùng với 3,7 triệu tấn dầu dẻo/năm.

Ông Lộc phân tích, bằng cách tích hợp lọc dầu và sản xuất các sản phẩm hóa dầu, dự án sẽ đảm bảo biên lợi lợi nhuận cạnh tranh cao hơn nhờ công suất và tính năng phức hợp quy mô lơn để đạt được mức biên lợi nhuận cạnh tranh hơn.

“Việt Nam hiện là nước nhập khẩu thuần các sản phẩm lọc hóa dầu, nhưng khi được triển khai dự án này thành công sẽ giúp Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu thuần các sản phẩm lọc hóa dầu”, ông Lộc kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác