Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho hay, cơ quan này vừa nhận được thông báo của GACC đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi.
Việc này nhằm làm căn cho việc ký Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Thời gian kiểm tra vào giữa tháng 8/2023 và hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa và tài liệu.
GACC sẽ kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu.
Để chuẩn bị tốt các nội dung kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu theo yêu cầu của GACC, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên môn của địa phương bố trí nguồn lực sẵn sàng để phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong quá trình triển khai việc kiểm tra.
Chi cục cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của GACC. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của GACC.
Các địa phương rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng thời, thông báo và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn tất hồ sơ, tài liệu liên quan và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của GACC.
Toàn bộ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, của các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi phải được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Trung và gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 05/8/2023 để tổng hợp gửi GA
Sau kiểm tra, Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình đánh giá rủi ro và đề xuất các yêu cầu nhập khẩu phù hợp để xây dựng Nghị định thư về nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều Nghị định thư xuất khẩu cho các loại nông sản, gồm: tổ yến, sầu riêng, khoai lang, chuối, thạch đen, măng cụt..., đã giúp hoạt động xuất nông sản của Việt Nam có nhiều thuận lợi
Đơn cử, việc ký kết Nghị định thư, chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo quản lý được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... đã giúp chỉ trong một thời gian rất ngắn, sầu riêng Việt Nam đã tăng xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022, 90% được xuất sang Trung Quốc. Dự kiến trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ USD.