Ngân hàng
Hai Thông tư quan trọng về VAMC chưa công bố
Hà Tâm - 25/07/2013 12:18
Ngay mai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức họp báo ra mắt Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy vậy, đến thời điểm này, hai thông tư quan trọng cho VAMC hoạt động vẫn chưa được ban hành.
Các ngân hàng đang mơ hồ trong chuẩn bị hồ sơ bán nợ cho VAMC

Việc ra mắt của VAMC được dư luận chờ đợi từ rất lâu, bởi đến nay, tảng băng nợ xấu vẫn còn nằm im, thậm chí còn phình to thêm.

Mục tiêu mà Thống đốc NHNN đặt ra là ngay trong năm 2013, VAMC sẽ xử lý 40-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Thời gian để VAMC đạt được mục tiêu này chỉ còn 5 tháng.

Trong khi đó, hai Thông tư quan trọng để VAMC hoạt động vẫn chưa được thông báo ban hành.

Cụ thể, ngày 23/7 vừa qua, Bộ Tài chính mới đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC. Trước đó, NHNN cũng đã công bố dự thảo Thông tư về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, đến thời điểm này, hai Thông tư trên đều chưa được ban hành.

Việc ban hành chậm Thông tư hướng dẫn quy trình mua bán nợ của VAMC khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ nợ xấu để sẵn sàng bán cho VAMC khi công ty này chính thức hoạt động.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, để bán nợ cho VAMC, các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị một lượng hồ sơ rất lớn.

Trước đó, ngày 16/7 vừa qua, Thống đốc NHNN đã bổ nhiệm một lọat nhân sự điều hành VAMC.

Cụ thể, Thống đốc giao ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC. Ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc.

Các phó tổng giám đốc VAMC cũng được tiếp nhận và bổ nhiệm từ lãnh đạo thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tin liên quan
Tin khác