Kinh tế Indonesia được dự báo suy yếu trong quý I/2020 do hoạt động xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp lan rộng. Ảnh: AFP |
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - chỉ tăng trưởng 5,02% trong năm 2019 do sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu và sản xuất chế tạo, bỏ xa dự báo 5,3% trước đó và giảm 0,15 điểm phần trăm so với năm 2018.
Tháng 12/2019, Ngân hàng Thế giới cảnh báo cháy rừng hoành hành tại Indonesia năm ngoái gây thiệt hại lên tới 5,2 tỷ USD. Trong khi đó, “đất nước vạn đảo” này cũng phải vật lộn trước việc giá cả các mặt hàng chủ chốt như than đá và dầu cọ lao dốc và tác động thương chiến Mỹ - Trung.
"Tăng trưởng duy trì ở ngưỡng 5,0% trong bối cảnh hiện này là điều không dễ dàng", Suhariyanto, người đứng đầu cơ quan thống kê Indonesia nói với các phóng viên ở Jakarta. "Tôi nghĩ rằng mức tăng trưởng 5,0% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vẫn là khá tốt", ông Suhariyanto nói thêm.
Các nhà quản lý du lịch Indonesia mới đây cảnh báo lượng khách đến “đất nước vạn đảo” này sẽ giảm mạnh trong năm nay khi Indonesia dựng rào cản đối với du khách Trung Quốc do lo ngại dịch viêm phổi bắt nguồn từ Trung Quốc. Thời điểm trước khi dịch bùng phát, Indonesia đón khoảng hai triệu khách Trung Quốc/năm.
"Lượng khách Trung Quốc đã giảm đáng kể từ khi Indonesia áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch", Ngurah Wijaya, cố vấn của Ủy ban Du lịch Bali và Ủy ban Xúc tiến Bali cho biết.
Theo công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics, lượng khách du lịch sụt giảm có thể khiến tăng trưởng GDP của Indonesia "tụt ga" trong nửa đầu năm 2020. "Chúng tôi cho rằng nền kinh tế (Indonesia) sẽ suy yếu trong quý I/2020 do xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh virus Corona lan rộng", Oxford Economics nhận định.
Năm 2019, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã vài lần cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Indonesia đang trình gói giải pháp cải cách nhằm thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài và nới lỏng các quy định lao động.