Những “vết sẹo” mặt đường
“Không biết các đồng chí thế nào, nhưng tôi thì đã nhiều đêm mất ngủ vì vấn đề đường hằn lún”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã mở đầu như vậy tại cuộc họp khắc phục các vệt hằn lún bánh xe tổ chức đầu tuần này, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về đường bộ, nhà thầu lớn và các nhà cung cấp nhựa đường lớn tại Việt Nam.
Hằn lún vệt bánh xe đang là vấn đề rất nghiêm trọng của ngành giao thông. Ảnh: A.M |
Đây là cuộc họp thứ hai trong vòng 1 tháng nhằm “mổ xẻ căn bệnh” hằn lún vệt bánh xe hiện đang lây lan rất nhanh tại các dự án xây dựng đường giao thông.
“Chúng tôi đang thực sự hoang mang, mất tự tin sau khi một số tuyến đường đã được siết chặt công tác thi công, kiểm soát vật liệu đầu vào, nhưng chỉ khai thác được vài tháng đã bị hằn vệt bánh xe”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) nói.
Cần phải nói thêm rằng, Cienco4 hiện là nhà thầu được đánh giá là làm ăn “tử tế” bậc nhất trong ngành giao thông. Tuy nhiên, tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Vinh - Bến Thủy do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư chỉ sau vài tháng khai thác đã có tới 4 km bị hằn vệt bánh xe.
Không chỉ Cienco4, mà nhiều nhà thầu thi công đường bộ chuyên nghiêp cũng đang “méo mặt” về những vệt lằn bánh xe xuất hiện liên tục, thậm chí có dấu hiệu gia tăng trầm trọng hơn trong 2 năm qua.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng, hiện có ít nhất 7 tuyến đường do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã xuất hiện vệt hằn bánh xe. Số lượng tuyến đường trên phạm vi toàn quốc bị dính lỗi kỹ thuật tăng lên đáng kể nếu tổng hợp cả những dự án do các địa phương quản lý.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận rằng, việc khắc phục sự cố hằn lún mặt đường của ngành GTVT suốt mấy năm qua không có kết quả.
Báo động “đỏ” chất lượng công trình
Theo ông Trịnh Xuân Cường, cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định dẫn tới hiện tượng lún, hằn vệt bánh xe vừa qua.
Nhận định trên là có cơ sở, bởi kết quả đánh giá sơ bộ tại 4/4 vị trí thí nghiệm mặt đường của Dự án BOT Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long do Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) thực hiện đều thấy hiện tượng thiếu nhựa đường và gần như không có bột đá làm mất tính ổn định nhiệt.
Không loại trừ yếu tố chất lượng nhựa đường nhập khẩu có “vấn đề”, ông Tống Trần Tùng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ cho biết, hằn vệt bánh xe xuất hiện nhiều cùng lúc với sự rút lui khỏi thị trường Việt Nam của hai nhà cung cấp vật liệu đặc chủng lớn, có uy tín là Shell và Caltex.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, hằn lún vệt bánh xe đang là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu không sớm bắt được bệnh để xử lý dứt điểm, thì sẽ thành thảm họa, nhất là khi việc mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 dài gần 2.000 km sắp thi công đại trà lớp bê tông nhựa.
Nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lỗi kỹ thuật mặt đường xuất phát từ yếu tố con người, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tập trung vào giám sát năng lực của tư vấn, nhà thầu thi công, Ban quản lý dự án trong quá trình thực hiện dự án.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị đưa ra những thiết kế phù hợp địa hình, địa chất, khí hậu, tăng cường những vị trí đường cong, dốc, vị trí xe dừng đỗ nhiều, thử nghiệm bằng các loại kết cấu khác nhau, khi có kết quả thì làm đồng loạt; kiểm soát vật liệu, thiết bị thi công và nghiên cứu việc đấu thầu rải thảm mặt đường, chứ không để mỗi nhà thầu thảm vài kilômét như hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe.
Đối với những tuyến đường hằn lún vệt bánh xe, ông Thăng yêu cầu khắc phục tạm thời trong tháng 7 tới để đảm bảo an toàn giao thông.
“Về giải pháp lâu dài, Tổ nghiên cứu của Bộ GTVT cần cố gắng cuối năm nay tìm ra nguyên nhân thực sự để khắc phục triệt để hiện tượng này”, ông Thăng kết luận.
Anh Minh