Ngày 3/12/2019, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm sợi Gỗ dán (Plywood) của Việt Nam. |
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) phát đi thông báo cho biết, ngày 3/12/2019, cơ quan này nhận được thông báo về việc Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm sợi gỗ dán (Plywood) của Việt Nam.
Sản phẩm bị yêu cầu điều tra trong vụ việc, gồm: các sản phẩm gỗ ván (Plywood) thuộc các mã HS: 4412.31.4011; 4412.31.4019; 4412.31.4021; 4412.31.1029; 4412.31.5010; 4412.31.6010; 4412.31;6090; 4412.31.7010; 4412.31.7090; 4412.33.4010; 4412.33.4020; 4412.33.5000; 4412.33.6000; 4412.33.7000; 4412.34.4020; 4412.34.5000; 4412.34.6000; 4412.34.7000; 4412.39.9000; 4412.99.6000; 4412.99.9100; 4412.99.4100; 4412.99.5100.
Thời kỳ điều tra với các sản phẩm kể trên từ 01/7/2018 – 30/6/2019. Thông thường, thời gian để tiến hành điều tra vụ việc chống bán phá giá là 12 tháng (kể từ ngày khởi xướng) và có thể gia hạn nhưng không quá 18 tháng.
Sau khi khởi xướng điều tra, Ủy ban thương mại Hàn Quốc có thể sẽ tiến hành lựa chọn bị đơn bắt buộc và gửi bản câu hỏi điều tra để thu thập thông tin trong quá trình xem xét, đánh giá, xác định hành vi bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu. Thời hạn để trả lời bản câu hỏi thường là 37 ngày kể từ ngày ban hành.
Các doanh nghiệp xuất khẩu không được chọn làm bị đơn bắt buộc có thể gửi yêu cầu (bằng văn bản) đề nghị được tham gia làm bị đơn tự nguyện và tính toán mức thuế riêng cho từng doanh nghiệp.
Văn bản yêu cầu tham gia vụ việc phải được gửi tới KTC trong vòng 03 tuần kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra.
Sau khi nhận được bản trả lời câu hỏi, Hàn Quốc có thể sẽ ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Thêm vào đó, KTC sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi để xác minh những thông tin đã cung cấp.
Trong quá trình điều tra, KTC sẽ tổ chức phiên điều trần để các bên liên quan trong vụ việc có thể tham gia, trình bày quan điểm về các nội dung điều tra.
Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị quý doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu có liên quan của Việt Nam theo dõi sát tình hình vụ việc; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đạt được kết quả khả quan trong vụ việc, đồng thời thường xuyên liên lạc, trao đổi với Cục trong suốt quá trình điều tra để phối hợp xử lý vụ việc.
Thời gian qua, Cục Phòng vệ Thương mại liên tục phát đi cảnh báo báo sớm các mặt hàng có thể gặp rủi ro khi xuất khẩu, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, trong 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng).
Trong số này, có gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bị cảnh báo rủi ro ở mức độ thứ 5, mức độ cảnh báo cao nhất, với các mã số 4412.10.0500, 4412.31.0520, 4412.31.0540...
Về phía Bộ Công thương, mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.