Tự động hóa phát triển đồng nghĩa với việc làm của người lao động ít đi |
Ba nước trên đứng đầu danh sách về Chỉ số Sẵn sàng tự động hóa (Automation Readiness Index), căn cứ vào dữ liệu và các cuộc phỏng vấn cổ đông ngành công nghiệp, các nhà kinh tế, quan chức chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Chỉ số này xếp hạng các nước theo mức độ chuẩn bị cho cái gọi là “tự động hóa thông minh”.
Vấn đề tương lai của tự động hóa và chấp nhận robot sử dụng trí tuệ nhân tạo đã được đặt ra từ lâu. Hiện nay, giới doanh nghiệp còn ít nhiều e ngại sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhưng chính phủ nhiều nước đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này và nỗ lực hỗ trợ người dân thích ứng với những thay đổi sắp tới liên quan đến lực lượng lao động.
Nghiên cứu này của The Economist Intelligence Unit nhấn mạnh nhu cầu của chính phủ các nước không chỉ trong việc giúp doanh nghiệp tận dụng một cách hiệu quả những lợi thế của trí tuệ nhân tạo, mà còn thúc đẩy đưa ra các chính sách để bù đắp những thiệt hại do mất việc làm và cập nhật kỹ năng.
Nghiên cứu cho thấy, hầu hết các nước chưa chuẩn bị cho làn sóng mới về tự động hóa và mới chỉ bắt đầu hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tiếp nhận các công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, Đức, Hàn Quốc và Singapore là những nước đã rất chú trọng chuẩn bị cho tự động hóa thông minh. Minh chứng là, sáng kiến cá nhân trong các lĩnh vực như cải cách chương trình giảng dạy, học tập cả đời, đào tạo việc làm, sự linh hoạt về chỗ làm việc tại 3 nước này đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chi hàng triệu USD cho cả khu vực công và tư nghiên cứu robot. Các nước cũng đầu tư nhiều cho nghiên cứu robot là Mỹ, Singapore và Đức.
Nghiên cứu của The Economist Intelligence Unit cho biết, các nước thu nhập trung bình, đặc biệt là các nước ở châu Á như Malaysia và Singapore, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất do các nước này phụ thuộc nặng nề vào việc làm trong ngành chế tạo - ngành đang được tự động hóa ở mức cao.
Cũng theo nghiên cứu của The Economist Intelligence Unit, trong khi hầu hết các nước đang thực thi các chính sách liên quan tự động hóa không hiệu quả, thì Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc được đánh giá cao về môi trường đổi mới, các chính sách giáo dục và chính sách liên quan đến thị trường lao động. Hàn Quốc đã chi tới 4% GDP cho nghiên cứu và phát triển các chương trình trí tuệ nhân tạo - mức chi cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia cũng được đánh giá cao về các chính sách đổi mới.