Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc), doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, vừa khánh thành Nhà máy Sản xuất Hana Micron Vina 2 tại KCN Vân Trung (Bắc Gian).
Đây là nhà máy thứ hai của Hana Micron Vina tại Bắc Giang. Nhà máy thứ nhất được Hana Micron hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Rất nhanh sau đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Hana Micron đã nâng vốn đầu tư, xây dựng nhà máy thứ hai.
Với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, Hana Micron đã trở thành một trong những dự án có suất vốn đầu tư/ha lớn nhất tại Bắc Giang, với khoảng 90 triệu USD Mỹ/ha, gấp khoảng 8 lần suất đầu tư trung bình của các dự án đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn tỉnh.
Hana Micron khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tại Bắc Giang |
Phát biểu tại sự kiện, ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết, Công ty co kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025. Khi ấy, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 800 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Hana Micron Vina tại Việt Nam sẽ là cơ sở sản xuất số một trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Hana Micron, và nhân lực tuyển dụng tại Việt Nam sẽ chiếm 70% trong tổng số nhân lực.
Theo kế hoạch, năm nay, doanh thu của Hana Micron tại Bắc Giang sẽ đạt khoảng 300 triệu USD.
Điều quan trọng, theo ông Choi Chang Ho, Hana Micron Vina mong muốn phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, góp phần đa dạng các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà Việt Nam đang theo đuổi.
Đánh giá cao dự án của Hana Micron, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, Nhà máy Hana Micron Vina chính là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Việc triển khai, thực hiện hiệu quả dự án sẽ là nền tảng cho định hướng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong tỉnh Bắc Giang nói riêng và tại miền Bắc nói chung.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tỉnh Bắc Giang thu hút nhiều hơn nữa các dự án công nghệ cao phù hợp với chủ trương, chiến lược thu hút đầu tư của Chính phủ và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ngoài Intel với dự án quy mô 1,5 tỷ USD ở TP.HCM, Tập đoàn Amkor cũng đã xây dựng một dự án 1,6 tỷ USD ở Bắc Ninh, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD. Dự kiến, đầu tháng 10 tới, Amkor sẽ chính thức đưa nhà máy này đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Tập đoàn Victory Gaint Technology của Trung Quốc cũng mong muốn đầu tư một dự án linh kiện bán dẫn 400 triệu USD ở Bắc Ninh. Trong khi đó, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy đã đầu tư 440 triệu USD ở Nghệ An để sản xuất các loại linh kiện bán dẫn, bao gồm thanh silic và tấm đĩa bán dẫn.