| ||
Trong hai ngày 16 và 17/4, nhiều điểm bán vàng tại Hà Nội đã phải ghi phiếu nợ cho khách |
Tái diễn tình trạng xếp hàng mua vàng
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng thế giới liên tục rớt giá theo chiều thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước cũng giảm mạnh. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung gần 8,6 tấn vàng ra thị trường, song do lực cầu lớn, tình trạng người dân ùn ùn xếp hàng mua vàng đã khiến giá vàng trong nước giảm không tương xứng với giá vàng thế giới. Trong hai ngày 16 và 17/4, nhiều điểm bán vàng tại Hà Nội đã phải ghi phiếu nợ cho khách, hoặc chỉ bán vàng nhẫn trơn, do “cháy” vàng miếng SJC.
Lực mua mạnh khiến một số thời điểm, giá vàng trong nước tăng dù giá thế giới giảm. Biên độ mua - bán vàng có thời điểm được các doanh nghiệp nới lên tới 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng được đẩy lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay (6 triệu đồng/lượng).
Xu hướng giảm giá không rõ ràng của giá vàng thế giới khiến lực mua trong nước chưa dừng lại. Nhiều nhận định cho rằng, giá vàng sẽ còn giảm tiếp, song cũng có nhận định cho rằng, khả năng giá vàng sẽ tăng trở lại và sự giảm bất thường vừa rồi là do các quỹ đầu cơ thao túng.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng thế giới sẽ chỉ lình xình ở mức hiện tại, khó giảm sâu hơn nữa, vì các quỹ đầu tư đã bán ra quá nhiều. “Vàng là mặt hàng cực kỳ nhạy cảm, biến động từng giây, đến những người sừng sỏ trong giới buôn vàng cũng có lúc bỏng tay vì vàng. Hơn nữa, chính sách của nước ta không khuyến khích mua vàng. Vì vậy, người dân phải cực kỳ thận trọng với quyết định mua, bán vàng”, ông Bảng cho hay.
Giải mã chênh lệch giá kỷ lục
Nghịch lý dễ thấy trên thị trường vàng là từ khi NHNN tham gia đấu thầu vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không những giảm, mà còn tăng mạnh (từ 3 triệu đồng/lượng lên 6 triệu đồng/lượng). Có thể, nếu NHNN không tổ chức đấu thầu, giá vàng vẫn sẽ chênh lệch cao như vậy, song việc NHNN tham gia điều tiết mà chênh lệch giá vàng ngày càng lớn, đang đặt câu hỏi về hiệu quả của chính sách.
Ông Đinh Nho Bảng lý giải, sở dĩ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao, bởi NHNN chỉ tăng cung và bình ổn thị trường, chứ không bình ổn giá. “Việc đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới không thể vội vàng, mà phải có lộ trình. Tuy nhiên, có một thực tế là, giá mời thầu mà NHNN đưa ra trong các phiên đấu thầu đa số cao hơn giá thế giới, nên doanh nghiệp cũng phải bán ra thị trường với giá cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá vàng Việt Nam luôn đắt hơn vàng thế giới”, ông Bảng nhận xét.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn kéo chênh lệch giá trong nước phải đợi sau ngày 30/6/2013, khi các ngân hàng đã hoàn thành đóng trạng thái vàng. Theo ông Hiếu, lượng vàng đấu thầu tuy nhiều, nhưng chưa ra được thị trường, mà chủ yếu phục vụ các ngân hàng thương mại đóng trạng thái. Do đó, sau ngày 30/6/2013, vàng đấu thầu mới chảy ra thị trường và cần độ trễ 3 - 6 tháng, giá vàng trong nước mới về sát giá thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nguồn tin từ NHNN khẳng định, hiện vẫn còn trên chục tấn vàng chưa được tất toán. Đó là lý do khiến vàng đấu thầu tung ra bao nhiêu đều được các ngân hàng, doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu, mà thị trường vẫn căng thẳng nguồn cung. Trong một thông cáo báo chí phát đi gần đây, NHNN cũng thừa nhận, một phần vàng đấu thầu được các ngân hàng sử dụng cho mục đích tất toán trạng thái.
Với lượng lớn vàng chưa tất toán trạng thái, khả năng từ nay tới ngày 30/6/2013, NHNN sẽ tiếp tục tung ra một lượng lớn vàng miếng để phục vụ các ngân hàng đóng trạng thái. Trong thời gian này, khó có thể hy vọng thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Với người mua vàng, đại diện NHNN cũng khuyến cáo, nên cẩn trọng để tránh thiệt hại. NHNN cũng không khuyến khích người dân đầu cơ vàng hay mua vàng tích trữ.
Thùy Liên