Điểm nóng
Hàng giả, hàng nhái lộng hành, vì sao?
Trung Kiên - 01/12/2013 06:15
Chế tài nhẹ, doanh nghiệp chưa quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng quản lý, kiểm soát chuyên môn mỏng, người tiêu dùng biết hàng giả vẫn mua…những yếu tố này đang tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái có đất sống và ngày càng lộng hành.

Mũ bảo hiểm là mặt hàng dễ bị làm giả, làm nhái nhất

Cùng nhìn nhận tại buổi kỷ niệm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái vừa tổ chức tại TPHCM, lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), Cơ quan Thường trực 127 TW đều cho rằng vấn đề hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đang ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, có thương hiệu tỏ ra bức xúc trước việc bản quyền hàng hoá bị xâm phạm, làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh công ty.

Lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT) đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành là do còn nhiều kẽ hở để các đối tượng kinh doanh bất chính lợi dụng; Chế tài xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ; sự thiếu đồng bộ giữa các lực lượng chức năng; nhận thức hạn chế của người tiêu dùng, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương, Cục sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp, công ty chưa thật sự hợp tác…

Lãnh đạo Cục QLTT chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến hàng giả, hàng nhái lộng hành

Đại điện trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cho biết, trên cả nước có trên 100 công ty sản xuất thuốc thú y, thực vật nhưng chỉ có 43 công ty có giấy chứng nhận đạt chuẩn. Hiện tại còn rất nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trôi nổi trên thị trường, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

“Với thực trạng trên chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các loại thuốc thú y làm giả, làm nhái. Ngăn chặn kịp thời nhưng vụ làm giả các loại thuốc thú ý gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thương hiệu các đơn vị sản xuất chân chính” – Vị đại diện này chia sẻ.

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Vatap cho biết, trong những năm qua, việc thực thi pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ chống hàng giả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam đã được quan tâm triển khai và thu được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sáng tạo, tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh và với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì bảo vệ quyền SHTT còn thấp, tình trạng xâm phạm quyền SHTT công nghiệp, vi phạm kiểu dáng công nghiệp, xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan còn diễn ra phổ biến.

Hiện nay việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái được thực hiện dưới nhiều hình thức với thủ đoạn ngày càng tinh vi không chỉ gây thiệt hại lớn đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Theo đó, những đối tượng làm ăn phi pháp thường đặt hàng sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập khẩu (nhập chính ngạch hoặc nhập lậu) về thị trường nội địa để lắp ráp, rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Hoặc nhập hàng Trung Quốc, sau đó lột tem nhãn, thay thế bằng nhãn mác Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng phân công, chia việc chặt chẽ để gia công từng công đoạn, sản xuất hàng giả tới đâu thì tiêu thụ tới đó. Mặt hàng nào được ưa chuộng thì xuất hiện hàng giả nhiều. Các đối tượng thực hiện rất tinh vi nên rất khó để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả.

Tem nhãn hợp quy ở mũ bảo hiểm cũng bị làm giả

Theo phân tích của một cán bộ Cục QLTT, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến việc bảo hộ SHTT đối với sản phẩm của mình. Dù bị xâm phạm quyền SHTT nhưng nhiều DN lại không hợp tác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn vì họ e ngại người tiêu biết, tẩy chay luôn hàng thật.

Thậm chí không ít DN không màng đến việc đăng ký quyền SHTT vì khi gặp vấn đề liên quan đến lĩnh vực này DN phải chờ phản hồi từ cơ quan chức năng quá lâu. Cụ thể; sau khi DN nộp đơn thì Cục SHTT phải có 1 tháng để thẩm định đơn của DN nộp có hợp lệ không? Nếu hợp lệ phải mất 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ và 9 tháng tiếp theo để thẩm định nội dung. Đến tháng thứ 13 mới biết được DN đó có được cấp văn bằng hay không. Như vậy, phải đến tháng 15 mới hoàn tất việc cấp văn bằng SHTT cho DN.

Tin liên quan
Tin khác