Khối lượng vận tải hàng không năm 2019 đạt 77,9 triệu khách, tăng gấp 5 lần năm 2011 và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, trong đó sự hiện diện của một số hãng hàng không mới cũng góp phần thay đổi thị trường. |
Đây là thông tin được Bộ GTVT đưa ra trong Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, 7, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Chất lượng vận tải cải thiện
Theo tư lệnh ngành GTVT, sau 6 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải; cơ cấu thị phần vận tải có bước chuyển dịch theo hướng tích cực; từng bước phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách theo hướng hiện đại; dịch vụ vận tải, logistics, số lượng, chủng loại phương tiện vận tải, chất lượng đào tạo, trình độ nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, tiệm cận với khu vực và thế giới.
Cụ thể, năm 2019, sản lượng vận tải đạt 1.684,12 triệu tấn hàng, tăng 9,7%; đạt 5.143,07 triệu lượt hành khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 322,158 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách đạt 248,47 tỷ HK.km; tăng 7,8% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2018.
Những tháng đầu năm 2020, tuy bị ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực trong nước, cũng như thế giới (dịch bệnh, chính sách bảo hộ thương mại của các nước…) khối lượng hàng hóa luân chuyển 02 tháng vẫn đạt 56.576 Triệu T.Km, tăng 4,1 % so với cùng kỳ năm 2019, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 297.351 triệu tấn hàng tăng 6,1 % so với cùng kỳ. Thị phần khối lượng luân chuyển của các phương thức đã có những dịch chuyển tích cực theo định hướng tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, thị phần khối lượng luân chuyển của các phương thức đã có những dịch chuyển tích cực theo định hướng tái cơ cấu. Đối với vận tải hành khách, thị phần vận tải hàng không năm 2019 đạt 31,4%, tăng khoảng 10% so với năm 2011 trong khi thị phần vận tải đường bộ đạt 65,6% giảm khoảng 6,1%. Như vậy, hàng không đã vượt rất xa thị phần vận chuyển hành khách của cả 3 loại hình vận tải đứng sau là đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa với khoảng 3%. Vận tải hàng không có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải nội địa tăng nhanh, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không trong nước và với các phương thức vận tải khác, tiếp tục mở rộng mạng đường bay trong nước và quốc tế, gia tăng dịch vụ hàng không giá rẻ, giảm được tình trạng chậm hủy chuyến, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không...
“ Khối lượng vận tải hàng không năm 2019 đạt 77,9 triệu khách, tăng gấp 5 lần năm 2011, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.
Đối với vận tải hàng hóa, thị phần vận tải đường thủy nội địa năm 2019 gần đạt 20%, tăng 4% so với năm 2011, nhưng thị phần vận tải đường bộ vẫn tăng khoảng 8%, trong khi thị phần vận tải biển giảm khoảng 10%.
“Về tổng thể, ngành GTVT đã đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Vận tải hàng không có sự tăng trưởng mạnh những năm gần đây; vận tải đường biển, đường thủy nội địa tăng trưởng ổn định; vận tải đường bộ đảm nhận khối lượng vận chuyển lớn nhất trong các loại hình vận tải trong giai đoạn này, đã đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, chỉ có vận tải đường sắt không có sự tăng trưởng”, Tư lệnh ngành GTVT cho biết.
Sẽ đầu tư lớn cho đường sắt
Ngày 8/5/2020, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT đã khởi công gói thầu XL-CY-01 tại cầu đường sắt Ông Ngọ (Thị xã Điện Bàn), đây là gói thầu đầu tiên thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án cầu yếu). Đây là gói thầu đầu tiên của dự án cầu yếu và cũng là gói đầu tiên của gói nguồn vốn 7.000 tỷ đồng được triển khai thi công. |
Căn cứ định hướng phát triển đường sắt, trong giai đoạn đến 2021, Bộ GTVT sẽ tập trung nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; tiếp tục rà soát, kêu gọi đầu tư các dự án đã nghiên cứu; tập trung nghiên cứu dự án tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam làm cơ sở chuẩn bị về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ…
Giai đoạn 2021 - 2032,Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cân đối và bố trí vốn để hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch, nhất là các tuyến kết nối đường sắt đến cảng Hải Phòng, cụm cảng Cảng Cái Mép - Thị Vải; hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để có thể thực hiện đầu tư giai đoạn 1. Giai đoạn 2032 - 2050, tiếp tục đầu tư và hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Hiện nay, trên cơ sở nguồn vốn được bố trí (7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020), Bộ GTVT đã phê duyệt 4/4 dự án đường sắt quan trọng nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công. Theo kế hoạch, đã khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 5/2020[i], dự kiến phấn đấu hoàn thành các dự án trong năm 2021.
Đồng thời, để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, từ tháng 10/2019, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án đường sắt chuẩn bị, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập chủ trương đầu tư các dự án nhằm tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nghiên cứu đầu tư các tuyến mới theo quy hoạch.
Hiện nay, các đơn vị đang hoàn thiện nghiên cứu làm cơ sở để Bộ GTVT tải trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền.
Liên quan đến, trình Quốc hội cho ý kiến về phương án đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao tuyến Bắc – Nam, Bộ GTVT cho biết là đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2/2019, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang triển khai các thủ tục để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo Quyết định số 859/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.