Ngành hàng không thiệt hại lớn vì đại dịch virus Corona. Trong ảnh: Làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công |
Dừng, hủy hàng loạt đường bay
“Virus Corona đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động khai thác, thương mại của chúng tôi. Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cần sớm có chính sách hỗ trợ các hãng, doanh nghiệp hàng không giảm thiểu tổn thất và sớm phục hồi”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) cho biết.
Cho đến sáng 4/2, mặc dù đã nối lại các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Đài Loan, nhưng toàn bộ các đường bay đến Trung Quốc của Vietnam Airlines vẫn bị hủy cho đến khi có thông báo mới của Cục Hàng không Việt Nam.
Đối với các đường bay đi Hồng Kông, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác bình thường các chuyến bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Hồng Kông từ ngày 2/2 đến hết ngày 5/2, sau đó tạm dừng đường bay giữa Hà Nội và Hồng Kông. Đối với đường bay giữa TP.HCM và Hồng Kông sau ngày 5/2, Hãng vẫn duy trì khai thác thường lệ hàng ngày, đồng thời theo dõi sát tình hình đi lại để điều chỉnh linh hoạt tần suất, kịp thời đáp ứng nhu cầu của hành khách. Các chuyến bay giữa Hà Nội và Ma Cao khai thác thường lệ từ ngày 2/2 và tạm dừng từ ngày 5/2.
Với Hãng hàng không Jetstar Pacific, vẫn khai thác thường lệ các chuyến bay giữa Hà Nội và Hồng Kông đến hết ngày 5/2. Đối với đường bay giữa Việt Nam và Đài Loan, Jetstar Pacific cũng đang khai thác bình thường.
Ông Dương Trí Thành cho biết, trong bối cảnh đại dịch virus Corona đang diễn biến hết sức phức tạp, an toàn sức khỏe của các cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ phi công, tiếp viên, các đơn vị tuyến đầu tại chi nhánh ở Trung Quốc là ưu tiên số một của Vietnam Airlines. Chi nhánh Trung Quốc của Vietnam Airlines chỉ duy trì Đại diện trưởng và Phó đại diện trưởng bám trụ điều hành tại Thượng Hải. Đến 22 giờ ngày 2/2/2020, toàn bộ cán bộ khác và gia đình cán bộ ở Chi nhánh Trung Quốc đã được sơ tán về nước và được cách ly chăm sóc theo quy định.
Ngay từ chiều ngày 2/2, Đoàn tiếp viên, Đoàn bay của Vietnam Airlines đã nghiêm túc triển khai việc kiểm tra sức khỏe phi công, tiếp viên trước các chuyến bay đi Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Giải pháp kiểm tra thân nhiệt các phi công, tiếp viên được nhanh chóng triển khai nhằm đảm bảo tổ bay có thể trạng tốt khi thực hiện các chuyến bay đến những khu vực trên.
Bên cạnh việc chủ động triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhân viên cũng như hoạt động khai thác phục vụ hành khách, Trung tâm Kiểm soát khai thác và các đơn vị thuộc Vietnam Airlines đã phối hợp thực hiện đầy đủ việc khử trùng tàu bay của các chuyến bay từ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao về Việt Nam.
Là một trong 2 hãng hàng không trong nước chịu tác động nặng nề nhất từ dịch virus Corona, Hãng hàng không Vietjet Air thông báo, ngoài việc ngừng tất cả đường bay đến Trung Quốc đại lục từ ngày 1/2, các đường bay quốc tế khác của Hãng, kể cả đường bay đến Hồng Kông và Đài Loan vẫn khai thác bình thường.
Vietjet Air cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, y tế, cảng hàng không, chủ động thực hiện các quy trình khai thác theo chuẩn mực quốc tế cao nhất, các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà chức trách trong công tác kiểm soát dịch do virus Corona gây ra, đảm bảo an toàn cao nhất cho tổ bay và hành khách.
Thiệt hại nặng
Việc phải đóng băng thị trường Trung Quốc đang khiến các hãng bay, bao gồm cả các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc bị thiệt hại nặng, bởi đây đang là mùa cao điểm vận chuyển khách du lịch qua lại thị trường hai nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á. Thậm chí, nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không cho biết, trước khi nhà chức trách hàng không ra quyết định hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ thời điểm 13h ngày 1/2, có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam, gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.
Trong nước, 3 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air khai thác 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến cũng từ 5 thành phố nói trên đến 54 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Chỉ trong thời gian từ 15/1 - 25/1, các hãng hàng không hai nước đã thực hiện 2.693 chuyến bay, chuyên chở 403.454 lượt hành khách, trong đó có 1.364 chuyến bay xuất phát từ Việt Nam, vận chuyển 206.467 lượt hành khách.
“Việc ngừng đột ngột các chuyến bay đến đây chắc chắn sẽ tác động mạnh đến hoạt động của các hãng hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Mặc dù vậy, vị này cũng khẳng định, quyết định ngừng toàn bộ các chuyến bay đi/đến Trung Quốc là hoàn toàn cần thiết, nhất là khi WHO đã công bố nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
“Ngoài việc dung lượng thị trường quá lớn, khách du lịch đang rất dè dặt trong việc đặt vé đi lại kể cả đối với các đường bay Đông Bắc Á, rất khó để các hãng hàng không trong nước tìm được giải pháp thay thế trong ngắn hạn”, lãnh đạo một hãng hàng không trong nước cho biết, đồng thời dự báo lợi nhuận vận tải hàng không trong quý I/2020 sẽ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, bất chấp việc đây là đợt cao điểm vận chuyển khách lớn nhất trong năm.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hàng không chắc chắn là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất trong ngành GTVT. Lượng hành khách quốc tế giảm sút cũng sẽ mang lại tác động dây chuyền tới toàn ngành hàng không, mà điểm khởi đầu là các hãng bay, sau đó là các cảng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất.
Tại thị trường chứng khoán, ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều nhà đầu tư nhận diện rủi ro có thể lan rộng, nên kiên quyết bán cổ phiếu nhóm hàng không, đặc biệt phiên cuối tuần qua. Tổng mức giảm nhóm cổ phiếu ngành hàng không gấp đôi so với chỉ số chung của thị trường.
Được biết, ngoài hàng không, ngành GTVT vẫn còn một hướng kết nối vận chuyển hành khách nữa tới thị trường Trung Quốc, đó là đôi tàu khách liên vận quốc tế MR1/2 chạy hàng ngày từ Gia Lâm - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh 2 lần/tuần, vận chuyển hành khách liên vận quốc tế giữa Hà Nội - Bắc Kinh với dung lượng khoảng 130 khách/ngày.
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã chủ động trao đổi với Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc về việc xem xét tạm dừng chạy tàu trong thời gian dịch bệnh.
“Phía bạn bày tỏ thống nhất với điều kiện có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước và thông báo trước ít nhất 24h theo quy định được ký giữa 2 nước”, ông Cảnh cho biết.