Hội nghị Xúc c tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế cũng như những chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đây là dịp để vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của Hải Dương cùng các danh thắng, di tích, sản phẩm du lịch được biết đến rộng khắp. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp là các Tổng công ty, trung tâm thương mại, siêu thị, đơn vị thương mại dịch vụ, chế biến và xuất khẩu nông sản trên cả nước. Hội nghị cũng kết nối tới 43 điểm cầu trong và ngoài nước. Trong đó, có 20 điểm cầu trong nước gồm 1 điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, 19 điểm cầu tại các tỉnh, TP.HCM, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắc Nông, Cần Thơ, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre. 14 điểm cầu tại 10 quốc gia và lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Mỹ, Australia, Malaysia, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Cộng hòa Séc, Singapore.
Các điểm cầu kết nối trực tuyến tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn |
Ngoài ra, có hơn 50 điểm cầu nhánh kết nối tham dự hội nghị qua điện thoại, máy tính với khoảng 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam về vải thiều và các sản phẩm nông sản.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: “Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng, sản lượng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Những năm vừa qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương nói chung đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore, Thái Lan...”.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn |
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn tổ chức tuần lễ nông sản trong 5 ngày liên tục để xúc tiến thương mại và du lịch với việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; vải thiều, các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp thông minh, chế phẩm sinh học; thiết bị số và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
“Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0; tiếp tục thực hiện Chương trình đưa vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Thăng nhấn mạnh.
Năm 2021, công tác xúc tiến, tiêu thụ quả vải thiều đã đạt được kết quả đáng khích lệ, giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao Hải Dương là một trong các địa phương tiên phong của cả nước khi rất năng động tổ chức các Hội nghị quốc tế có quy mô lớn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Công thương.
“Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều cũng như các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác. Phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bàn, Hàn Quốc... triển khai các hoạt động thiết thực để hộ trợ hiệu quả địa phương, doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn nút khai mạc Tuần lễ Xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh Hải Dương năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá cao chất lượng quả vải thiều Hải Dương. Đồng thời, yêu cầu tỉnh Hải Dương tập trung rà soát các quy hoạch, xây dựng định hướng, chiến lược xác định các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp xanh, phát huy lợi thế của từng vùng địa phương, đặc biệt là quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo cơ chế, chính sách ưu đã hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư và chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp xanh tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Tại điểm cầu trực tuyến từ Australia, đại diện Công ty 4 Way Fresh (nhà nhập khẩu trái cây của Úc) cho biết vải thiều Hải Dương được nông dân trồng theo quy trình nghiêm ngặt, quả vải được xử lý qua nhiều công đoạn trước khi xuất sang nước chúng tôi. Với quy trình như vậy, quả vải Hải Dương chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tại Hội nghị, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 với quy mô quốc tế là sự kiện đặc biệt quan trọng của tỉnh. Để tăng cường phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các hoạt động xúc tiến, gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Hải Dương sẽ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn |
Tại Hải Dương, hiện có hơn 8.900 ha vải thiều. Trong đó huyện Thanh Hà có 3.273 ha, Chí Linh có 3.434 ha, còn lại ở các địa phương khác. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh dự kiến đạt trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021. Hiện nay, trà vải sớm dự kiến bắt đầu thu hoạch từ ngày 15/5/2022, thu hoạch rộ từ ngày 25/5- 05/6/2022 với sản lượng ước trên 35.000 tấn; trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ 10/6/2022, thu hoạch rộ từ 15 - 25/6/2022, với sản lượng ước trên 25.000 tấn.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa xứ Đông. Ảnh: Thanh Sơn |
Năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 4.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và BasicGAP với sản lượng khoảng 27.000 tấn. Vải Thanh Hà đã đạt nhiều chứng nhận, danh hiệu, giải thưởng như "Chỉ dẫn địa lý", "Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng", "Thương hiệu vàng", “Tinh hoa đặc sản 3 miền”...
Lễ ký kết đưa các sản phẩm vải thiều Thành Hà và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương giữa Sở Công thương Hải Dương và các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Sơn |
Tại hội nghị, lễ cắt băng xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông... cũng đã được diễn ra.
Cắt băng khai mạc lễ hội vải thiều và mở vườn vải xuất khẩu. Ảnh: Quốc Vinh |
Trước đó, vào đầu giờ sáng nay, tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (Thanh Hà), UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu năm 2022. Đây là năm thứ 2, tỉnh tổ chức sự kiện này nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.