Thương hiệu trong nước xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng siêu thị Ảnh: Đức Thanh |
Dồn lực cho thị trường nội địa
Bất chấp tác động của các yếu tố tỷ giá, xăng dầu, chi phí nhân công, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao... , sức cầu hàng hóa gia tăng mạnh mẽ dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất tăng nguồn hàng cung ứng để chớp thời cơ kinh doanh sôi động nhất trong năm.
Căn cứ vào lưu chuyển thương mại và dịch vụ tiêu dùng đang cải thiện nhanh thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất đã chuẩn bị một lượng vốn lớn để nhập khẩu, dự trữ nguyên phụ liệu phục vụ mùa Tết.
Như thông lệ, nhóm hàng đồ uống, nông thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn sẽ được cung cấp với tỷ trọng lớn từ khối các doanh nghiệp nội địa. Sự vươn lên của các địa phương có hoạt động thu hút đầu tư lớn vào nông thủy sản đang tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực lớn cho xuất khẩu và thị trường nội địa.
Thị trường hàng hóa hiện khá sôi động để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm.
Nguồn: Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết, đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021, với 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30%; 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%.
Trong 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.180,5 tỷ đồng. Bộ Công thương nhận định, đây là mức tăng trưởng mạnh so với năm ngoái và cao hơn 14,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19, cho thấy nhu cầu hàng hóa tăng, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gần như phục hồi hoàn toàn.
Mức tăng trưởng trên ít nhiều đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị nguồn lực cung ứng hàng hóa phục vụ cho mùa Tết. Ngoài hàng hóa của các nhà sản xuất quen thuộc, thị trường nội địa cũng đón nhận thêm sản phẩm của các doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu. Ưu điểm của các doanh nghiệp này là sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền công nghệ hiện đại, đã xuất khẩu thành công đi Mỹ, EU, Nhật Bản…
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - vốn có quy mô xuất khẩu hàng triệu USD trái cây tươi và các sản phẩm nước trái cây đóng hộp, đã đưa thêm nhiều sản phẩm mới vào danh mục hàng hóa phục vụ thị trường nội địa. Trước đó, sản phẩm bán nội địa của Doveco chủ yếu là các loại nông sản đóng hộp như dưa chuột bao tử, ngô ngọt, giờ được mở rộng thêm nhiều loại như nước ép trái cây đóng lon, nước quả cô đặc, sản phẩm đông lạnh…
Trước sức cầu cao của mùa Tết, Doveco đã phải tăng gấp đôi công suất sản xuất. Ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cho hay, hoạt động sản xuất phục vụ thị trường nội địa sẽ được doanh nghiệp dồn lực mạnh hơn khi nhu cầu trong nước ngày càng gia tăng. Doveco kỳ vọng sẽ sớm cân bằng doanh thu giữa xuất khẩu và nội địa ở mức 50-50 trong thời gian tới.
Hàng Việt được tin dùng
Khi năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng gia tăng, hàng hóa phong phú về chủng loại, doanh số bán hàng liên tục tăng, cộng với sức mua dồn vào cuối năm, cơ hội để các sản phẩm Việt lên kệ hàng càng thấy rõ. Các hệ thống bán lẻ trong nước lẫn nước ngoài hiện diện tại Việt Nam đều coi trọng các nhà cung ứng nội địa, thể hiện qua sự xuất hiện của các thương hiệu hàng nội trên kệ hàng, đặc biệt là sự góp mặt của hầu hết các nhãn hàng Việt trong giỏ quà Tết.
Hệ thống Saigon Co.op và Co.opXtra đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu trong nước và quốc tế, đặc biệt là dòng hàng nhãn riêng của Saigon Co.op để cung cấp cho khách hàng các mẫu giỏ quà Tết độc đáo. Nhiều địa phương như Sơn La, Lào Cai… cũng đóng góp một lượng đáng kể nông sản địa phương cho thị trường Tết. Các đặc sản địa phương cũng phù hợp để doanh nghiệp bán lẻ đưa vào giỏ hàng làm quà biếu, cung cấp số lượng lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
“Nhiều năm nay, hàng hóa sản xuất trong nước luôn được chúng tôi lựa chọn để đưa vào giỏ quà, đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng, mà vẫn đảm bảo được sự trang trọng, có tính tiêu dùng cao, gia đình nào cũng sử dụng được”, đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam cho biết.
Dịp Tết 2023, MM Mega Market Việt Nam có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và tăng 40-50% so với những tháng bình thường. Nguồn hàng lớn được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước.
Kinh doanh sau 2 năm đại dịch ngày càng khó khăn, lạm phát cũng đe dọa sức mua mùa Tết, nên các nhà cung ứng hàng khá thận trọng và linh hoạt, bằng nhiều cách đáp ứng yêu cầu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, với 200 lao động tại doanh nghiệp, Công ty đã đặt hàng nhà bán lẻ cung ứng giỏ quà Tết 2023 với đa dạng sản phẩm thiết yếu từ thịt, thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây tươi, mỳ, miến, bánh kẹo… để làm quà tặng. “Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, việc tăng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước cũng góp phần giúp doanh nghiệp Việt cùng nhau mạnh hơn”, ông Tưởng cho hay.