Gần 200 năm gìn giữ và phát triển giống cây quý
Cây vải đã có lịch sử từ lâu, nhưng đến thời Tự Đức (1847 - 1883), giống vải thiều mới được du nhập vào nước ta, do cụ Hoàng Văn Cơm ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) mang về trồng. Theo lời kể lại của gia đình, trong một lần dự tiệc với người Hoa kiều, cụ Cơm đã mang 3 hạt vải gốc Thiều Châu (Trung Quốc) về ươm trong vườn nhà, song chỉ có một cây duy nhất sống được. Từ đó, người dân chiết các cây vải con từ cây vải này để trồng khắp huyện Thanh Hà.
Phóng viên Hãng thông tấn AFP (Pháp) ghi hình ngày đầu tiên thu hái vải thiều xuất khẩu đi Mỹ. Ảnh: Thành Chung |
Đến nay, cây vải thiều gốc do cụ Cơm trồng đã gần 200 tuổi, vẫn phát triển tươi tốt và đã được Trung ương hội làm vườn Việt Nam công nhận là Cây vải thiều Tổ (năm 1992), được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cây vải thiều lâu năm nhất” (năm 1995).
Giống vải thiều còn theo người dân Thanh Hà đi xây dựng kinh tế mới lên vùng Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ban đầu chỉ là trồng thử, nhưng sau đó, cây vải thiều đã được trồng mở rộng ra toàn huyện Lục Ngạn, rồi các huyện của tỉnh Bắc Giang và nhiều địa phương khác.
Tuy cùng một giống cây, nhưng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của mỗi địa phương khác nhau, nên quả vải thiều trồng ở những nơi khác không thể nào giống được hương vị, hình dáng như vải thiều được trồng ở Thanh Hà.
Cây vải thiều Thanh Hà cho trái thơm ngon hơn hẳn những vùng đất khác. Nói về đặc điểm và cách phân biệt vải thiều Thanh Hà, bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này cho hay: “Vải thiều chuẩn Thanh Hà quả nhỏ, vỏ hơi sần nhẹ. Khi chín, quả có màu đỏ hồng, hạt đen tuyền và rất nhỏ, thậm chí không có hạt, cùi trắng và dày, ăn rất ngọt, nhưng là vị ngọt thanh mát, chứ không có vị hơi chát như ở nhiều nơi khác”.
Bà Lan cho biết thêm, cây vải thiều Thanh Hà ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6, đầu mùa hè. “Thường từ ngày 10/6 trở đi, vải thiều Thanh Hà sẽ chín rộ, nên trước thời gian này, bất cứ loại vải nào được giới thiệu là vải thiều Thanh Hà chắc chắn là không phải. Đó chỉ là vải chín sớm U trứng, U hồng, U lai, Tàu thâm…”, bà Lan nói.
Vải là loại quả được đánh giá cao về những lợi ích cho sức khỏe, nên rất được ưa chuộng. Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, quả vải được hết mực khen ngợi: “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết”. Trong y học phương Đông, vải được coi là một loại thuốc trị bệnh hữu hiệu. Hạt vải có tính ôn, vị ngọt chát, có tác dụng tán hàn, nghiền thành bột có thể chữa được tiêu chảy ở trẻ em. Còn theo nghiên cứu của y học hiện đại, vải chứa nhiều vitamin C, đường glucose… có tác dụng bổ sung năng lượng, kích thích trí não; chữa đau răng và tăng cường hệ miễn dịch…
Đầu tư bài bản và vươn ra thị trường quốc tế
Đến nay, vải thiều Thanh Hà đã vươn ra khỏi phạm vi quốc gia và đến với thực khách tại những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Canada… bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Indonesia. Năm 2015, vải thiều Thanh Hà được thị trường Mỹ chấp thuận và đến năm 2017 là thị trường Australia, với những quy định vô cùng khắt khe.
Ngoài 6 chất cấm tuyệt đối không được sử dụng, mỗi nước nhập khẩu quả vải lại có một đòi hỏi riêng. “Nếu như thị trường Mỹ quan tâm tới dịch hại và các loại thuốc phòng trừ dịch, thì thị trường Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt chú trọng tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, kể cả những chất không bị cấm, nhưng dư lượng vượt ngưỡng cho phép, cũng bị loại bỏ”, bà Nguyễn Thị Lan cho biết.
Riêng đối với thị trường Australia, một trong những yêu cầu bắt buộc là vùng sản xuất đó phải áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra, cấp mã số. Ngoài ra, quả vải được lựa chọn kỹ càng để không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số… Quả vải phải được sơ chế sạch sẽ và bảo quản trong các thùng carton, ghi rõ thông tin phục vụ cho việc truy nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện đã có khoảng 255 ha vùng trồng vải đạt chuẩn VietGAP với sản lượng ước khoảng 2.000 tấn mỗi vụ. Trong đó, diện tích vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là 90,3 ha (20 ha vải sớm và 70,3 ha vải muộn), sản lượng ước đạt 720 tấn mỗi vụ.
Trao đổi với báo chí, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ - doanh nghiệp đã đưa vải thiều Thanh Hà sang Mỹ và Australia cho biết, thị trường EU yêu cầu rau quả xuất khẩu sang đây phải có chứng nhận GlobalGAP, còn thị trường Mỹ và Australia thì chưa yêu cầu phải có chứng nhận này. Tuy nhiên, về lâu dài, để tăng tính cạnh tranh, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, cần phải nâng tiêu chuẩn quả vải Thanh Hà lên theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đến nay, toàn huyện Thanh Hà mới chỉ có 25 ha vải tại xã Thanh Xá áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, thuộc đề tài khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
“Quả thực, huyện không đủ nguồn lực để phát triển vùng trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, người nông dân lại càng không. Chi phí để đầu tư 1 ha trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP cần ít nhất 8 - 10 triệu đồng. Đây là bài toán mà chúng tôi cần giải quyết sớm để hướng đến đầu tư lâu dài và bài bản hơn”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà trăn trở.
Ổn định đầu ra cho quả vải xuất khẩu
Một vấn đề khác khiến người nông dân và lãnh đạo huyện Thanh Hà vẫn chưa có được niềm vui trọn vẹn mỗi mùa vải chín, đó chính là đầu ra ổn định cho quả vải xuất khẩu. Theo ông Lực, hiện việc tìm thị trường xuất khẩu cho quả vải Thanh Hà vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động của doanh nghiệp, chưa có một chiến lược hay một kế hoạch cụ thể việc mở rộng thị trường. Do đó, địa phương và người nông dân vẫn bị động trong việc đầu tư và tiêu thụ.
Đơn cử vụ vải 2017, đã có nhiều doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân trồng vải Thanh Hà, như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty TNHH Hưng Việt, Công ty Agricare Việt Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng Kiên Giang, Công ty Xuất nhập khẩu nông, lâm sản Thanh Hà… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.HCM và một phần nhỏ được xuất khẩu đi Canada, Australia, Pháp…; còn lại, chủ yếu là các thương lái người Trung Quốc trực tiếp thu mua.
Thời gian qua, huyện Thanh Hà cũng đã tìm nhiều giải pháp để mở rộng và ổn định thị trường xuất khẩu cho quả vải. Ông Lực cho biết, huyện thường xuyên trao đổi thông tin và kêu gọi doanh nghiệp đồng hành cùng người nông dân để tăng giá trị cho quả vải thông qua con đường xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện cũng đã đề nghị với tỉnh Hải Dương tổ chức xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin với đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài để quả vải có thêm cơ hội được hỗ trợ, từ đó rộng đường xuất khẩu.
Các cấp, các ngành của huyện Thanh Hà đã tham gia, tổ chức nhiều buổi làm việc với các đối tác, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải. Huyện đã đón nhiều đoàn khách, nhiều doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất, đánh giá điều kiện sản xuất của người dân như Đoàn cán bộ tham tán thương mại của Đại sứ quán các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Lào, Philippines, New Zealand, Bangladesh, Ấn Độ...
“Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018 lần đầu tiên được tổ chức chính là cơ hội để quảng bá, giới thiệu về đặc sản địa phương, qua đó thúc đẩy giao lưu, mở rộng việc thu mua xuất nhập khẩu, nhằm nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Văn Lực khẳng định.
Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) (năm 2007).
Top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn (năm 2012).
Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn và đạt top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn (năm 2013).
Giải thưởng Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng, do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức (năm 2015).
Giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tiêu dùng” do Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp (năm 2016).
Chứng nhận top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế phối hợp với Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam cấp (năm 2018)