Những kết quả ban đầu đã đạt được vừa qua đã thể hiện các định hướng phát triển của Hapro do Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần chỉ đạo, triển khai đã đi vào thực tế kinh doanh.
Ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cùng bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp và ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) thăm gian hàng Hapro tại Hội chợ SIAL Paris 2018 (Pháp) |
Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Hapro, Madame Nguyễn Thị Nga cho biết: Sau cổ phần hoá sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Hapro là một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Hapro tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ,…; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, bán lẻ tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; Tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, trọng tâm là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro để xuất khẩu và đưa vào hệ thống bán lẻ nội địa.
Trọng tâm phát triển của Hapro trong thời gian tới là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế; đồng thời xây dựng Hapro trở thành công ty chủ lực của Tập đoàn BRG trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu BRG và xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ.
Một số nhiệm vụ cụ thể cần triển khai của Hapro là phát triển xuất khẩu một cách bền vững theo hướng chủ động phát triển vùng nguyên liệu đối với những mặt hàng xuất khẩu chính gắn với xây dựng và phát triển một số nhà máy chế biến cũng như đầu tư thêm 1 nhà máy chế biến gạo và xây dựng nhà máy chế biến tiêu sạch tại Bình Dương; mở rộng nhà máy chế biến hạt điều tại Bình Phước…
Ngoài ra, Hapro sẽ đẩy mạnh phát triển các cơ sở vệ tinh, tăng cường khả năng phát triển nguồn hàng. Phấn đấu đến năm 2020 tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2018) với 80% doanh thu đến từ kinh doanh xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD (tăng 66% so với năm 2018).
Lãnh đạo Hapro gặp gỡ khách hàng Bỉ tại Hội chợ SIAL |
Trên cơ sở những định hướng lớn và mục tiêu cụ thể trên, ngay sau cổ phần hoá, Ban Điều hành Hapro đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giữ vững thị trường nước ngoài.
Cụ thể, Hapro đã tích cực tham gia các hội chợ nông sản, thực phẩm lớn, các hội nghị xúc tiến Thương mại lớn trên Thế giới về nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, các chương trình kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, củng cố các mối liên hệ với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước và các cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam từ đó thúc đẩy việc đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế và đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong thời gian ngắn, Hapro đã tham dự và có gian hàng hàng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu tại các hội chợ lớn trên thế giới tại một số thị trường trọng điểm như: Hội nghị Hạt và Quả khô Quốc tế INC, Hội chợ Worldfood Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Worldfood Moscow (Nga)…
Vào tháng 5/2018, Hapro đã lần đầu tiên xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà vào thị trường Malaysia; sang tháng 6/2018, xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên đóng bao 5 kg, 10 kg/túi vào chuỗi siêu thị tại Dubai (thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE);
Ngày 13/6/2018, Hapro được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp mã số xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ và ngay sau đó đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo đầu tiên với 750 tấn vào thị trường này.
Hapro cũng Tham dự Hội chợ World Food Itstabul (Thổ Nhĩ Kỳ) cuối tháng 8/2018 và ký được một số hợp đồng xuất khẩu nông sản với trị giá khoảng 1 triệu USD.
2 tuần đầu tháng 10, Hapro tham gia Hội nghị điều Quốc tế tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh và Hội nghị gạo Thế giới tổ chức tại Hà Nội, ký kết một số hợp đồng xuất khẩu hạt điều cho khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu trị giá khoảng 1 triệu USD và ký 3 hợp đồng xuất khẩu gạo cho các khách hàng đến từ Mỹ và Malaysia trị giá gần 2,5 triệu USD.
Lãnh đạo Hapro gặp gỡ khách hàng UAE tại Hội chợ SIAL |
Từ ngày 20-27/10/2018, đoàn xúc tiến thương mại của Hapro do ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc dẫn đầu đã tham gia Hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm SIAL (Pháp) - một trong những hội chợ lớn và uy tín hàng đầu thế giới về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Tham dự SIAL Paris 2018, gian hàng Hapro góp phần quảng bá các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như gạo, hạt tiêu, hạt điều, quế, thực phẩm chế biến, bún miến, phở, bánh đa nem, rau củ quả đóng lon, hoa quả sấy, cơm dừa, các mặt hàng gia vị, trái cây sấy khô…
Chỉ sau 2 ngày tham gia, gian hàng của Hapro đã tiếp gần 100 khách hàng đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đồng thời chủ động tham gia một số chương trình gặp gỡ, giao thương với các nhà nhập khẩu do Thương vụ Việt Nam tại Pháp kết nối; chương trình giao thương với các nhà cung cấp thực phẩm Pháp do Cơ quan xúc tiến thương mại Pháp UB France kết nối.
Ông Vũ Thanh Sơn cho biết, tham dự Hội chợ SIAL là cơ hội tốt để Hapro quảng bá thương hiệu, hình ảnh, nắm bắt được thông tin thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xu hướng phát triển của ngành nông sản thực phẩm trên thế giới…; kết hợp thăm hỏi khách hàng truyền thống, khách hàng thân thiết của Hapro từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự Hội chợ cũng như tiếp xúc với các khách hàng mới, tiềm năng, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Lãnh đạo Hapro gặp gỡ khách hàng Ukraina tại Hội chợ SIAL |
Tại Hội chợ SIAL, Hapro đã ký được các hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 2 triệu USD gồm các mặt hàng hạt điều, hạt tiêu, gạo cơm dừa, ớt, quế, hồi… và đang tích cực giao dịch, chốt giá với các khách hàng tiềm năng để tiếp tục ký kết các hợp đồng xuất khẩu tiếp theo.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó phải kể đến những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại; sau 4 tháng hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, Hapro tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của Hapro đã đạt 89 triệu USD, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2017; Tổng doanh thu đạt 3.905 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như hạt điều đạt 62 triệu USD tăng 15%, gạo đạt gần 12 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Thời gian tới, với vai trò là một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn BRG, Hapro sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm có thế mạnh của Việt Nam, chú trọng các sản phẩm hữu cơ, organic vào các thị trường truyền thống và thị trường mới.