Ngóng tác động thị trường hậu bầu cử
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đang là tâm điểm đối với kinh tế thế giới hiện tại, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Điểm nổi bật trong chính sách của ông Trump là việc áp dụng thuế quan toàn diện, tăng thuế từ 10-20% đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại của Việt Nam khi Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, điều này gây áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc duy trì giá bán để đảm bảo sức cạnh tranh ở thị trường tiêu thụ Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể hưởng lợi từ thị phần Trung Quốc khi quốc gia này phải đối mặt với mức thuế cao hơn từ phía Mỹ.
Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Mặc dù các mức thuế này báo hiệu một viễn cảnh đầy thách thức cho thương mại toàn cầu, tuy nhiên, lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc có thể thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển một phần sản xuất sang các nước lân cận. Với vị trí chiến lược của mình, Việt Nam có thể trở thành bên hưởng lợi, điều này đã được chứng kiến trong thời kỳ căng thẳng thương mại 2017-2020.
Áp lực tỷ giá cũng được KIS dự báo sẽ gia tăng. Các chính sách của Tổng thống Donald Trump xoay quanh vấn đề về khẳng định vị thế của nước Mỹ, qua đó ông có xu hướng sẽ tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn đối với áp lực về thâm hụt ngân sách, dẫn đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ duy trì ở mức cao. Ngoài ra, lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng cao dưới thời của ông Trump sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định về lãi suất của Fed.
Với các quan điểm trên, chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tác động đa chiều đến các ngành nghề. Ví dụ, ngành bất động sản khu công nghiệp và hàng không được đánh giá tích cực, trong khi KIS có xếp hạng tiêu cực hơn với ngành dầu khí, vật liệu xây dựng và dệt may.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 11 có tích cực?
Theo đánh giá của SSI, sức hấp dẫn đối với thị trường chứng khoán Mỹ được kỳ vọng sẽ duy trì trong vòng 2 tháng sau bầu cử, kết hợp với gói kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ khiến súc hút của các thị trường đang phát triển khác kém tích cực hơn.
Đây sẽ là tâm điểm của thị trường chứng khoán trong nước tháng 11/2024, bên cạnh các nội dung thông qua trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực tỷ giá.
Tuy nhiên, một số yếu tố chính có thể được xem là yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường giai đoạn tới như Định giá ước tính một năm của VN-Index giảm nhẹ từ xuống còn 11,9 lần vào cuối tháng 10 từ mức 12,1 lần ở đầu tháng. Điều này cho thấy thị trường chịu áp lực giảm giá và chưa phản ánh nhiều chuyển biến tích cực của kết quả quý III/2024, trong khi lợi nhuận quý III còn tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%.
Đồng thời, Thông tư 68 cùng với việc sửa đổi Luật Chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc tăng tỷ trọng vào Việt Nam.
SSI cho biết, sau khi Thông tư 68 có hiệu lực liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền, đã có một số lượng nhỏ các giao dịch được thực hiện. Kết hợp với việc sửa đổi Luật Chứng khoán, khả năng cao các quỹ chủ động sẽ có xu hướng phân bổ tỷ trọng rõ nét vào Việt Nam hơn trong năm 2025.
Với những yếu tố trên, SSI cho rằng, thị trường chứng khoán trong tháng 11 dự kiến vẫn còn biến động. Tuy nhiên, định giá thị trường đang trở về mức hấp dẫn hơn trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục xu hướng hồi phục. Do đó, nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty có lợi nhuận tăng trưởng mạnh, vì đây vẫn được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025.
Dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. Trong khi cần phải tiếp tục theo dõi những biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá là 2 yếu tố vĩ mô trong nước cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro.
Còn đứng ở quan điểm của MBS, nhóm phân tích cho biết thị trường chứng khoán trong nước thường có chu kỳ tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau.
Trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023, chỉ số VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh mẽ sau đó. Ngoài yếu tố mang tính chu kỳ/mùa vụ đang hỗ trợ thị trường phục hồi trở lại, thị trường có thể kỳ vọng vào các tin tức hỗ trợ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và càng về giai đoạn cuối năm, tốc độ nới lỏng chính sách có thể nhanh hơn thông qua thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 15%, trong khi đến hết tháng 9 mới đạt hơn 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, dư địa cho vay còn lại của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn trong quý IV này.
VN-Index có lịch sử tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 với 4 năm trước đây tăng liên tiếp, trong khi đó thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500), tháng 11 cũng có xác suất tăng điểm cao nhất với số lần tăng đạt 9/10 năm qua.
Lịch sử tăng giảm của Vn-Index trong 10 năm qua. Nguồn: MBS |