Ngân hàng - Bảo hiểm
Hậu "chống bão", Agribank đứng đâu trong hệ thống ngân hàng?
Hà Tâm - 08/11/2015 07:00
Đang dồn sức xử lý các hậu quả từ thời kỳ tăng trưởng nóng, song Agribank vẫn là ngân hàng lớn nhất hệ thống về tổng tài sản và là “át chủ bài” trong tín dụng tam nông. Trong tương lai, Agribank hướng tới một ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
TIN LIÊN QUAN
Agribank vẫn là ngân hàng lớn nhất hệ thống hiện nay

Căng mình chống bão, nợ xấu giảm còn 2,41%

Cũng giống các ngân hàng khác, Agribank đã từng trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng, đồng nghĩa với nợ xấu cao. Thêm vào đó, thời gian qua, nhiều cán bộ ngân hàng rơi vào vòng lao lý khiến hình ảnh Agribank bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, thời gian qua là giai đoạn khó khăn, vất vả với Agribank: vừa căng sức “chống bão” xử lý các tồn tại, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng, vừa đảm trách các nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, vừa thực hiện tái cơ cấu.

Thế nhưng, cho đến nay, sau 3 quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu (2012-2015), Agribank cơ bản đang dần vực dậy và lấy lại vị thế của mình.

Tính đến 31/10/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 9,2%; Cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%; Thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 12%/năm; Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.222 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 đạt trên 3.500 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu giảm chỉ còn 2,41%, các tỷ lệ an toàn hoạt động được đảm bảo…

Lãnh đạo Agribank cho hay, để đạt được những kết quả khả quan trên, Agribank đã từng bước thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện ngân hàng, bắt đầu từ việc lấy lại tinh thần cho hàng vạn cán bộ nhân viên, lấy lại lòng tin của hàng chục triệu khách hàng đã đồng hành cùng ngân hàng trong nhiều năm qua.

Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của đề án Tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu.

Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, củng cố hệ thống kiểm tra – kiểm toán nội bộ, Agribank cũng đã hết sức nỗ lực chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao.

Hàng trăm cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm về công tác tín dụng của toàn hệ thống đã được Trụ sở chính trưng tập. Các đoàn công tác do các thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay. 

Hướng tới ngân hàng hiện đại, sẵn sàng cho cổ phần hóa

Có thế nói, tự chống bão trong giai đoạn vừa qua là nỗ lực lớn của Agribank bởi ngân hàng chưa được cấp bổ sung đầy đủ vốn điều lệ theo đúng lộ trình Tái cơ cấu. Bên cạnh đó, với đặc thù họat động ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, phục vụ những khách hàng nhỏ lẻ, Agribank phải duy trì mạng lưới rộng, đồng nghĩa với chi phí lớn, khiến gánh nặng tài chính càng thêm khó khăn. Chưa kể, ngân hàng cũng phải chịu áp lực và đối mặt với hàng loạt vụ việc, trong đó có những vụ án trọng điểm đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính để tái cơ cấu, song thời gian qua, Agribank vẫn đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho đối tượng khách hàng ưu tiên do áp trần lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn ngành, đảm bảo đời sống và ổn định tinh thần đối với cán bộ, nhân viên và người lao động.

Cho đến nay, giai đoạn I thực hiện đề án Tái cơ cấu đã kết thúc, Agribank đang hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, Agribank đặt mục tiêu xây dựng ngân hàng phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

“Nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank lúc này là hơn lúc nào hết, toàn hệ thống phải cùng nhau đoàn kết, chung sức chung lòng để đương đầu và vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường nông nghiệp, nông thôn. Lấy bài học trong quá khứ làm tấm gương, mỗi vị trí công tác từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên Agribank tự răn mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ quy định của ngành, biết sửa sai và chủ động khắc phục hậu quả”, bà Nguyễn Thị Phượng cho hay.

Vẫn là ngân hàng “khủng” nhất hệ thống

Hiện nay, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng hết sức gay gắt. Agribank là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, đảm nhận trọng trách khó khăn: cho vay vùng sâu, vùng xa, cho vay nông nghiệp – đây là những địa bàn đòi hỏi chi phí lớn, lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, Agribank vẫn phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng khác. Vì vậy, cũng là điều dễ hiểu khi Agribank thua hơn nhiều ngân hàng thương mại lớn khác về lợi nhuận.

Song cũng phải khẳng định rằng, hiện Agribank vẫn là những ngân hàng chủ lực của nền kinh tế nói chung và là ngân hàng chủ đạo trong chính sách tam nông nói riêng. Với dư nợ tín dụng nông nghiệp năm 2014 đạt trên 411 nghìn tỷ đồng, Agribank chiếm thị phần trên 90% đối với tín dụng nông nghiệp.

Xét về tổng tài sản, dư nợ, nguồn vốn, mạng lưới, cho đến nay vẫn chưa ngân hàng nào “qua mặt” được Agribank.

Cụ thể, tính đến 31/7/2015, Agribank có tổng tài sản: 797.959 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 742.473 tỷ đồng, vốn điều lệ 29.605 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 607.242 tỷ đồng. Agribank có gần 2.300 chi nhánh và  phòng giao dịch trên toàn quốc, Chi nhánh Campuchia và gần 40.000 cán bộ, nhân viên.

Chỉ tính riêng tổng tài sản, không những vượt trội so với 3 ông lớn khác là BIDV, Vietcombank, VietinBank mà tổng tài sản của Agribank còn lớn hơn tổng tài sản của 16 ngân hàng nhỏ cộng lại.

Tin liên quan
Tin khác