Doanh nghiệp
Hậu Covid-19, Đông Nam Bộ tập trung giải quyết vấn đề việc làm
Hà Nguyễn - 26/11/2022 09:53
Có tới 59,1% số lao động của Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng tiêu cực vì Covid-19, hơn 6% lao động tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được việc. Đó là những vấn đề cần giải quyết.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Vùng Đông Nam Bộ được quan tâm tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Xúc tiến đầu tư Vùng.

Đây là đầu tàu kinh tế và là trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước, do vậy có tới 10,487 triệu lao động (chiếm 20,31% tổng số lao động của cả nước), trong đó lao động có việc làm là 10,178 triệu người (chiếm 20,14% cả nước).

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh việc cần thực hiện các giải pháp để giải quyết việc làm cho người dân trong vùng                                     Ảnh: Lê Toàn

Đây cũng là vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp - khu chế xuất nhất cả nước, với khoảng hơn 353.000 doanh nghiệp (bằng 41,2% số doanh nghiệp của cả nước năn 2021) và hơn 5,3 triệu lao động đang làm việc (bằng 36,6% số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của cả nước)…

Tuy nhiên, năm 2021, Vùng Đông Nam Bộ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khiến 59,1% số lao động của vùng bị ảnh hưởng tiêu cực, hơn 6% người lao động trong độ tuổi tích cực tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được việc, trong khi tỷ lệ này trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát là 2,33%.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định. Chất lượng nguồn lao động và chất lượng việc làm đã được cải thiện nhưng chưa cao, thiếu tính ổn định, bền vững; sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập và mức sống của các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng tăng, nhất là sau đại dịch Covid-19…

“Thời gian tới, để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mạng lưới an sinh xã hội theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng trên cả 3 khâu phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Theo Thứ trưởng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động Vùng; đầu tư, nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng kết nối liên vùng, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế.

Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của công nhân lao động…

Nhiều doanh nghiệp Vùng Đông Nam Bộ bị thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của Covid-19

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất mở rộng sản xuất - kinh doanh; cũng như đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; đa dạng hoá các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh...

“Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cần đầu tư trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại TP.HCM, và các trung tâm đào tạo, thực hành Vùng, để đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt trong việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng tương lai...

“Cần tập trung đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước - trong - sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, cũng cần tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách huy động, phát triển nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm giúp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm thu hút nguồn lực tài chính hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề và tìm kiếm đầu ra cho người học nghề.

“Để thu hút được các nguồn xã hội hóa, bản thân các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Nhấn mạnh việc Tết Nguyên đán đang đến gần, trong khi kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lo ngại tới đây chuyện giải quyết việc làm sẽ khó khăn, người lao động có thể bị giảm việc làm. Bởi thế, cần tập trung để giải quyết vấn đề việc làm cho toàn Vùng.

Tin liên quan
Tin khác