Đầu tư
Hậu Covid, Vĩnh Phúc “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư về làm tổ
Như Loan - 01/09/2020 10:27
Nắm bắt cơ hội vàng khi Việt Nam là điểm đến an toàn khi khống chế tốt dịch Covid-19, Vĩnh Phúc đã nâng cấp hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh…“trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư.

Ngay trước khi dịch Covid-19 ập tới, do tác động của thương chiến Mỹ - Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Nhiều đoàn công tác của doanh nghiệp nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc.

Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và đẩy lùi, làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam càng trở nên đặc biệt sôi động, từ các “ông lớn” như Apple, Google, Amazon..., đến những công ty có thương hiệu mạnh trên toàn cầu đều bày tỏ ý định đặt đại bản doanh sản xuất ở Việt Nam.

Đón bắt cơ hội không thể tốt hơn này, nhiều địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương... nhanh chóng “trải thảm đỏ” với những ưu đãi không thể tốt hơn mời các nhà đầu tư trên khắp thế giới đến nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư. Vĩnh Phúc không nằm ngoài danh sách đó khi có đầy đủ những yếu tố cần thiết đón các nhà đầu tư vào tìm hiểu cơ hội sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Một góc KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên). Ảnh: KL

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với giới truyền thông trong nước, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng nắm bắt các cơ hội đầu tư nước ngoài vào địa phương thời kỳ hậu Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã rất thẳng thắn cho rằng, không phải bây giờ, khi dịch Covid-19 đã cơ bản bị đẩy lùi, Vĩnh Phúc mới chuẩn bị đón sóng đầu tư bởi như thế sẽ là quá chậm.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, thực tế Vĩnh Phúc đã được nhiều địa phương trong cả nước và không ít doanh nghiệp lớn của nước ngoài từ lâu biết đến là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Gọi là hấp dẫn vì tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt và hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp từ lúc bắt đầu làm thủ tục đầu tư đến suốt quá trình sản xuất kinh doanh sau này.

Còn an toàn, đây không đơn thuần là một câu nói mang tính hình thức mà thực sự mang đầy đủ nghĩa đen. Từ việc đảm bảo tốt về công tác an ninh trật tự cho đến an toàn dịch bệnh mà trải nghiệm thực tế bởi dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất. Đặc biệt, thực tế cho thấy dù số lượng doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào Vĩnh Phúc chưa nhiều nhưng tuyệt đại đa số hoạt động có hiệu quả cao, vừa đóng góp nguồn thu đáng kể cho tỉnh, vừa mang lại lợi nhuận cao cho bản thân doanh nghiệp.

.

Ngược lại, một số địa phương trên cả nước tuy có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cao nhưng đóng góp cho ngân sách thấp, thậm chí nhiều đơn vị còn làm ăn “bết bát”, không tạo việc làm ổn định với thu nhập tương xứng cho người lao động, không giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ... Như vậy, xét về mặt hiệu quả, đầu tư vào Vĩnh Phúc an toàn hơn nhiều nơi khác.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 18 danh mục KCN với tổng diện tích 5.228 ha được phê duyệt, trong đó có 9 KCN đã thành lập, cấp giấy chứng nhận đầu tư như KCN Kim Hoa, KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 1), KCN Thăng Long Vĩnh Phúc… với tổng diện tích quy hoạch của 9 KCN này là 1.843,38 ha, với tiỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đặt 62,7%.

Để tiếp tục thúc đẩy các KCN phát triển bền vững, tạo và chủ động quỹ đất để thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cho rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch KCN điều chỉnh quy hoạch xây dựng, xác định phạm vi, danh giới, địa điểm KCN làm cơ sở bổ sung, mở rộng các KCN, đồng thời đẩy mạnh tiến độ tổ chức lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng đối với 9 KCN còn lại, kiên quyết xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc giảm quy mô, diện tích KCN đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ, hạn chế về năng lực triển khai.

Một góc KCN Phúc Yên. Ảnh: KL

Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2020, Ban đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 12 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 23 lượt dự án.

Trong đó, cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,44 triệu USD và làm thủ tục tăng vốn cho 21 dự án với số vốn tăng 76,39 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 101,83 triệu USD, bằng 26% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 31% kế hoạch năm.

Để hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư 6 tháng cuối năm 2020, khoảng 10-12 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 120 - 150 triệu USD; thu hút mới khoảng 3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 100 - 300 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các KCN trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững và cân bằng giữa dòng vốn FDI.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đồng thời thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện, hồ sơ về thủ tục hành chính, tránh việc nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần…

Tin liên quan
Tin khác