Vườn nhãn ở Hậu Giang |
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có Công văn về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của Tỉnh.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam; việc đi lại giao thương gặp nhiều khó khăn do đang trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của nông dân.
Tại tỉnh Hậu Giang hiện tại có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn… đang tới vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Các sản phẩm này tập trung chủ yếu trên địa bàn TP. Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A.
Để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nông dân, với tinh thần “Đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương thống kê số lượng mặt hàng nông sản tồn đọng, có bố trí điểm tập kết thu gom để Sở Công Thương cùng với các đơn vị có liên quan thuận tiện trong việc tổ chức thu mua hỗ trợ trong nông dân được kịp thời.
Đồng thời, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương tổ chức phát động, đăng ký trong doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hỗ trợ thu mua chôm chôm, dưa lê, nhãn… giúp nông dân trong lúc tiêu thụ khó khăn. Thường xuyên theo dõi, báo cáo tiến độ về tiêu thụ các sản phẩm và những khó khăn vướng mắc tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND Tỉnh có chỉ đạo kịp thời
Trước đó, vào ngày 29/7, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong Tỉnh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu báo cáo tại cuộc họp, tính đến chiều ngày 28/7, toàn Tỉnh có trên 2.700 tấn nông sản còn tồn đọng trong dân do không có thương lái thu mua, hoặc thu mua cầm chừng. Trong đó, rau màu tồn đọng trên 75 tấn; trái cây tồn đọng gần 471 tấn; sản phẩm thủy sản tồn đọng 2.060 tấn (chủ yếu là cá thác lác); sản phẩm chăn nuôi tồn đọng 94,5 tấn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang, dự kiến khả năng sản xuất nông sản trong tháng 8/2021 là trên 262 nghìn tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong Tỉnh chỉ khoảng 21 nghìn tấn nông sản các loại.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thu hoạch lúa vụ Hè Thu đảm bảo phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo xuống giống vụ Thu Đông, vận động người dân dành một phần diện tích sản xuất thêm rau, màu; nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lưu ý đảm bảo an toàn phòng dịch, kiểm soát chặt chẽ lực lượng tham gia tổ.
Đồng thời, ông Trương Cảnh Tuyên cũng yêu cầu mỗi địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn có báo cáo hàng ngày về tình hình thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ nông sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng liên kết tiêu thụ kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện điều phối các máy cắt để đảm bảo thu hoạch lúa Hè Thu cho người dân trong điều kiện dịch Covid-19 cũng như máy làm đất trong xuống giống vụ Thu Đông trên địa bàn tỉnh; căn cứ diễn biến thời tiết, thông tin, khuyến cáo kịp thời các loại cây trồng phù hợp cho các địa phương; kết nối với các hợp tác xã tiêu thụ các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) còn tồn lại.
Sở Công Thương tiếp tục cập nhật số liệu ngành nông nghiệp cung cấp để đưa lên các ứng dụng mua bán nông sản của tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối các doanh nghiệp có kho lạnh phục vụ nhu cầu tạm trữ nông sản.