UBND tỉnh Hậu Giang vừa có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án khu tái định cư phục vụ dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư các dự án khu tái định cư phục vụ dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ giao với tuyến Quốc lộ 61C từ Cần Thơ đi Hậu Giang |
Hai dự án gồm Khu tái định cư Cây Dương (huyện Phụng Hiệp) và Khu tái định cư Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A). Tổng kinh phí khoảng 220 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trong chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Dự án thành phần 3 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tại Quyết định số 2248/QĐ-UBND, tổng mức đầu tư 9.601,9 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương hơn 8.778 tỷ đồng và ngân sách địa phương 823,5 tỷ đồng).
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 1.623 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 6.594 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 917 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 200 tỷ đồng…
Điểm đầu dự án tại Km94+400 kết nối vào điểm cuối dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Điểm cuối tại Km131+082,03 kết nối vào điểm đầu dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tổng chiều dài gần 37 km.
Về quy mô xây dựng, giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư là quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m.
Dự án có tổng diện tích thu hồi đất gần 260 ha. Tiến độ thực hiện từ năm 2022-2027.
Mục tiêu dự án là hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng ĐBSCL, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng ĐBSCL; tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh…