Tỉnh Hậu Giang tập trung thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt Ảnh: haugiang.gov.vn |
Phát huy lợi thế cạnh tranh
Là tỉnh có vị trí trung tâm của Tiểu vùng Nam sông Hậu, Hậu Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đa dạng. Bên cạnh tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, Hậu Giang còn là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn… Đặc biệt, Hậu Giang còn là nơi giao nhau của 3 tuyến cao tốc sắp hình thành là Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Các tuyến giao thông này sẽ tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực để tỉnh đột phá phát triển các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ...
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kết nối, trung chuyển hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); phát triển đột phá các ngành, lĩnh vực trên nền tảng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và chuyển đổi số; đồng thời huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới dựa trên 4 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo chiến lược: “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm”.
Theo đó, về công nghiệp: phát triển thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư vào công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng; công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.
Về nông, lâm nghiệp và thủy sản: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái - lúa - thủy sản. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước.
Phát triển thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn; gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi. Phát triển lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng, sản xuất kết hợp với phát triển du lịch.
Về đô thị: mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ trở thành các đô thị trung tâm, hiện đại, hỗ trợ các hoạt động thương mại, dịch vụ và các đô thị vệ tinh phát triển.
Đối với dịch vụ và du lịch: phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng ĐBSCL. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đa dạng hóa loại hình du lịch và sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, để hiện thực hóa Quy hoạch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, thực hiện đồng bộ các giá trị cốt lõi của Quy hoạch tỉnh là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường phải là quan điểm chủ đạo, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển.
Về kinh tế, Hậu Giang đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại - dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
“Xác định đầu tư là giải pháp tối quan trọng, tỉnh Hậu Giang sẽ phân bố và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển, giúp thay đổi tình hình. Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ”, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.
Hậu Giang sẽ mở rộng, nâng cấp các đô thị theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh. Trong ảnh: TP. Vị Thanh Ảnh: haugiang.gov.vn |
Thu hút đầu tư tập trung vào 4 trụ cột
Đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024 với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Các hoạt động thuộc Chương trình Xúc tiến đầu tư bám sát định hướng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Hậu Giang tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào 4 trụ cột theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đó là: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng.
Cụ thể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong các ngành sản xuất để đảm bảo hiệu quả dự án và kết nối chuỗi giá trị các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, ít thâm dụng lao động, sử dụng tiết kiệm đất, hiệu quả đầu tư cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tập trung thu hút các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao; phân khu trung tâm kinh doanh dịch vụ, khách sạn 5 sao cao cấp, khu vui chơi giải trí theo chủ đề; tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn gắn liền với các khu, điểm, tuyến du lịch để hình thành chuỗi dịch vụ du lịch đa dạng có giá trị kinh tế cao. Ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch gắn liền với bảo vệ sinh thái thiên nhiên và bảo tồn các sản phẩm văn hóa dân tộc.
Xúc tiến đầu tư trọng tâm, định hướng thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ; dự án xây dựng khu đô thị; khu nhà ở xã hội; dự án hạ tầng logistics.
Tỉnh sẽ tiến hành rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư năm 2024 nhằm cung cấp cho nhà đầu tư thông tin đầy đủ, chi tiết đối với từng dự án mời gọi đầu tư về quy mô, địa điểm, vị trí; thông tin về quy hoạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện nước, thông tin liên lạc), hạ tầng xã hội; các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với từng dự án. Đồng thời, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án (nếu có); phân tích sơ bộ về tính khả thi của dự án, ý kiến của chính quyền địa phương, nhân dân vùng dự án và các vấn đề khác có liên quan để nhà đầu tư có thể hiểu rõ tổng quát về dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư năng động và hiệu quả; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và tạo vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.