Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong tháng 8/2016, Bộ Tài chính phải đề xuất phương án đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Các phương án này đã được tiến hành đến đâu, thưa bà?
Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế GTGT và đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, kịp thời, thuận lợi cho DN, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2016. Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính các phương án đẩy nhanh hoàn thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng nội dung này vào những ngày cuối cùng của tháng 8/2016.
. |
Theo đó, đối với trường hợp hậu kiểm (hoàn thuế trước, kiểm tra sau) thì chậm nhất là 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện, cơ quan thuế phải ban hành quyết định hoàn thuế. Đối với trường hợp tiền kiểm (kiểm tra trước, hoàn thuế sau) thì trong vòng 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ, cơ quan thuế phải ban hành quyết định hoàn thuế hoặc thông báo cho người nộp thuế lý do không hoàn thuế.
Để đẩy mạnh việc hoàn thuế, tháo gỡ khó khăn cho DN, ngành thuế đặt mục tiêu từ cuối năm 2016 trở đi sẽ có ít nhất 80% hồ sơ hoàn thuế GTGT thực hiện hậu kiểm.
Vậy từ đầu năm đến nay đã hoàn được bao nhiêu tiền thuế GTGT?
Theo số liệu tổng hợp từ các cục thuế địa phương thì tính đến đầu tháng 8, ngành thuế đã tiếp nhận 13.962 hồ sơ đề nghị hoàn thuế, cùng với 2.515 hồ sơ từ năm 2015 chuyển sang thì có tổng cộng 16.477 hồ sơ đề nghị hoàn thuế; cơ quan thuế các cấp đã ban hành 12.173 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền hoàn là hơn 58.000 tỷ đồng.
Trong quá trình hoàn thuế, chúng tôi tiến hành kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế và thanh tra, kiểm tra tại DN và đã loại 1.821 hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định với số tiền đề nghị hoàn là 12.275 tỷ đồng.
Nhưng thưa bà, vấn đề là hoàn thuế nhanh thì tình trạng lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế sẽ gia tăng?
Chính vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 20% đối với trường hợp hậu kiểm trong vòng 12 tháng kể từ khi hoàn thuế. Như vậy, cộng với đối tượng thuộc diện tiền kiểm thì số hồ sơ được thanh tra, kiểm tra chiếm gần 40%.
Tôi muốn nói thêm rằng, đối tượng kiểm tra hồ sơ kể cả dạng tiền kiểm cũng như hậu kiểm đều là những đối tượng thuộc dạng rủi ro cao. Đó là DN kê khai lỗ 2 năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu; được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ; thay đổi trụ sở từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước; có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
Với cách thức quản lý thuế này, những DN chấp hành tốt pháp luật thuế về cơ bản được hoàn thuế trước trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế hợp lệ và giảm thiểu tình trạng lợi dụng hoàn thuế để chiếm đoạt ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, cơ quan thuế muốn hoàn thuế kịp thời, nhưng “lực bất tòng tâm”, do hạn chế về kinh phí hoàn thuế?
Trước đây, do quy định dự toán chi ngân sách nhà nước cho việc hoàn thuế được phân bổ cho từng địa phương và địa phương chỉ được hoàn thuế theo dự toán chi đã được phân bổ, nên đã xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Tuy nhiên, kể từ ngày 13/8/2016, khi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT có hiệu lực thì tình trạng thiếu - thừa Quỹ hoàn thuế về cơ bản đã được giải quyết. Theo quy định mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quản lý kinh phí hoàn thuế GTGT và điều hành chi hoàn thuế GTGT trong phạm vi dự toán ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt.
Hiện tại, Tổng cục Thuế và Kho bạc Nhà nước đã liên kết bằng hệ thống điện tử, nên hàng ngày, Tổng cục Thuế nắm được toàn bộ tiến độ giải quyết hồ sơ cũng như chi hoàn thuế của từng địa phương và so sánh với nguồn quỹ hoàn thuế đã được Quốc hội giao và biết chính xác số dư Quỹ hoàn thuế còn bao nhiêu để điều hành kịp thời. Vì vậy, trong cùng một thời điểm, nếu Quỹ hoàn thuế còn thì sẽ không xảy ra tình trạng địa phương này thừa, mà địa phương khác thiếu tiền để hoàn thuế.
Thông tư 99/2016/TT-BTC liệu có gây ách tắc trong hoàn thuế không khi quy định, nếu phát hiện DN mua hàng hóa, dịch vụ của DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì sẽ mở rộng đối tượng kiểm tra, thanh tra và chỉ khi có kết quả mới thực hiện hoàn thuế?
Hoàn toàn không ách tắc, bởi nếu quá thời hạn thanh tra, kiểm tra mà chưa có kết quả thì vẫn giải quyết hoàn thuế với số thuế đủ điều kiện. Nếu như trước đây, DN đề nghị hoàn thuế GTGT 100 tỷ đồng, trong đó chỉ có 5 tỷ đồng số thuế đề nghị hoàn là mua hàng hóa, dịch vụ của DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, thì sẽ dừng hoàn thuế toàn bộ 100 tỷ đồng. Nhưng từ ngày 13/8/2016 trở đi, trong trường hợp như vậy, sau thời gian thanh tra, phát hiện có hành vi trốn thuế, gian lận thuế mà chưa có kết luận thì vẫn hoàn thuế 95 tỷ đồng; số tiền còn lại sẽ hoàn hoặc không hoàn sau khi có kết luận.