Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 26/8. Tuy nhiên, HDBank chưa cho biết cụ thể ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho HDBank tăng vốn thêm tối đa hơn 3.984 tỷ đồng thông qua việc chia việc chia cổ tức năm 2020.
HDBank dự kiến phát hành hơn 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương với tỷ lệ 25%; qua đó, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên gần 20.073 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ được bổ sung, HDBank có kế hoạch dùng 2.000 tỷ đồng để cho vay trung dài hạn và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh việc chia cổ tức, HDBank dự kiến còn tăng vốn thêm 400 tỷ đồng thông qua phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).
Thời gian thực hiện từ 2021 đến 2022. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành từng đợt phát hành.
Sau khi hoàn tất hai đợt phát hành trên, vốn điều lệ của HDBank dự kiến tăng lên gần 20.473 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HDB đang giao dịch trong phiên sáng 28/7 ở mức 32.750 đồng/cổ phiếu, tăng 37% so với thời điểm cuối năm ngoái, song đã giảm 8,5% so với đầu tháng 7/2021.
Mới đây, HDBank đã triển khai Basel III và được Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service (Moody's) nâng Triển vọng xếp hạng từ "Ổn định" lên "Tích cực".
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng quyết định nâng hạn mức tài trợ thương mại và hạn mức tín dụng tuần hoàn cho HDBank từ 85 triệu USD lên 150 triệu USD. Nhiều định chế tài chính quốc tế đánh giá cao sự ổn định và triển vọng phát triển của HDBank, tăng cường hợp tác song phương.