- Bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 2016 - 2019: Hàng “hot” ngoài tầm với doanh nghiệp Việt
- Trừ K+, các đài truyền hình đồng lòng từ chối mua bản quyền Ngoại hạng Anh giá "cắt cổ"
- MP&Silva từ chối "mua chung" bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh
- Đàm phán phát sóng Ngoại hạng Anh đổ vỡ, K+ sẽ tự mua bản quyền?
K+ "tố" VNPayTV đàm phán không hiệu quả!
Văn bản này, một lần nữa K+ lại khẳng định, K+ trân trọng và ủng hộ chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc các đơn vị có nhu cầu tại Việt Nam cần phối hợp hành động vì sự phát triển bền vững lĩnh vực truyền hình trả tiền, vì quyền lợi của người xem truyền hình trên toàn quốc, hạn chế tối đa việc thông qua các đối tác trung gian và không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá.
Nhà đài này cũng cho biết là đã tham gia từ đầu và rất tích cực vào Ban đàm phán mua bản quyền EPL do Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) tổ chức.
Tuy nhiên, theo tường trình của K+, VNPayTV đã hoạt động không hiệu quả, không có Quy chế hoạt động, không có chương trình, chiến lược hành động cụ thể dẫn đến việc MP&Silva từ chối Ban Đàm phán.
Theo đó, kể từ cuộc họp đầu tiên ngày 17/11/2015, K+ và các đơn vị khác đã đề nghị VNPayTV đưa ra Quy chế hoạt động cũng như sớm thống nhất phương án mua và phân phối bản quyền cũng như các yếu tố kỹ thuật khác như ai sẽ đại diện đàm phán, bảo lãnh ra sao, trách nhiệm của các Thành viên và VNPayTV... để làm cơ sở đi đàm phán với MP&Silva (Đơn vị sở hữu gói bản quyền EPL tại Việt Nam).
Lúc đó, K+ cũng có ý kiến rằng, việc mua chung bản quyền phải tôn trọng đặc thù kinh doanh và nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, mục đích lớn nhất là giảm tối thiểu giá mua bản quyền và hài hòa lợi ích của các thành viên. Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của tất cả các thành viên, tính dân chủ và tự nguyện của việc tham gia Ban đàm phán thì các quyết định của Ban đàm phán cần phải được đưa ra trên nguyên tắc nhất trí chứ không phải là thiểu số phục tùng đa số như Hiệp hội đề xuất.
Tiếp đó, ngày 3/12/2015 K+ cũng đã có văn bản đề nghị lại với Ban đàm phán về những điểm nêu trên và nhắc lại là Hiệp hội cần sớm đưa ra Quy chế hoạt động.
Và mãi đến 3 tháng sau ngày gửi văn bản này, ngày 26/2/2016, mà chưa nhận được thông tin về tiến triển của việc thành lập Ban đàm phán, K+ đã có văn bản gửi VNPayTV để giục. Trong công văn này, K+ nhấn mạnh cần có kết quả đàm phán trong tháng 3/2016 để các doanh nghiệp có thể kịp chuẩn bị ngân sách, nhân sự và kế hoạch truyền thông và khai thác bản quyền.
Đến ngày 15/3/2016, sau nhiều lần thúc giục, VNPayTV tổ chức họp Ban đàm phán nhưng không đưa ra được bất cứ phương hướng nào cụ thể hơn cho việc hợp tác, ngoài VSTV và VTVcab là hai đơn vị có ý kiến tại cuộc họp, không có thành viên nào đóng góp ý kiến xây dựng phương án. Tư tưởng chủ đạo của Ban đàm phán là chờ bên bán đến với thông điệp sẵn sàng không có EPL tại Việt Nam 3 mùa tới.
Ngày 16/3/2016, VNPayTV gửi thông báo cho biết đã ấn định lịch họp với MP&Silva trước ngày 10/4 và yêu cầu các thành viên gửi đề xuất phương án và nhu cầu cụ thể phân phối bản quyền trước ngày 5/4. Đồng thời Hiệp hội biết sẽ xây dựng dự thảo các phương án, phương thức phân phối và Quy chế của ban đàm phán vào khoảng ngày 20/4 để các đơn vị thảo luật góp ý. Tuy nhiên, đến ngày 8/4 khi VNPayTV tổ chức họp vẫn không có đơn vị nào đưa ra được bất cứ phương án và nhu cầu nào.
Như vậy là sau 5 tháng từ ngày thành lập Ban đàm phán và mặc dù đã ấn định hạn chót để MP&Silva sang gặp là trước 10/4, cho đến ít nhất là ngày 20/4 các thành viên trong Ban đàm phán sẽ vẫn chưa thể biết nội dung của Quy chế hoạt động, phương án đàm phán, mua và phân phối bản quyền sẽ là như thế nào.
EPL là "món hàng hot" mà bất kỳ nhà đài Việt Nam nào cũng đều muốn sở hữu |
Vì sao K+ "sốt sắng" mua EPL?
"Trong khi đó càng đến gần ngày kết thúc mùa giải, sức ép của khán giả K+ càng gay gắt và xu hướng rời mạng ngày càng tăng vì cho là K+ không còn EPL mùa tới. Chính vì vậy chúng tôi bị đặt trong một tình huống rất khó khăn, không thể chờ và phó mặc số phận doanh nghiệp vào kế hoạch không rõ ràng của Ban đàm phán mà không có bất kỳ đảm bảo nào từ Hiệp hội", văn bản này của K+ nêu rõ.
Đại diện K+ cũng trần tình rằng : "Chúng tôi hiểu là Hiệp hội cũng gặp nhiều khó khăn khách quan đến từ thực tế là các đơn vị có phương án kinh doanh và nhu cầu rất khác nhau nên không dễ có thể tìm được tiếng nói chung cho hơn 10 đơn vị. Bên cạnh đó Hiệp hội cũng chưa có cơ chế tài chính và kỹ thuật có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của Ban tổ chức EPL trong việc bảo lãnh thanh toán và chống vi phạm bản quyền.
Vì vậy, đến thời điểm này, chúng tôi đã đề nghị Hiệp hội nên để các đơn vị tự đàm phán với điều kiện dù mua độc quyền hay không độc quyền thì vẫn phải tuân thủ tối đa chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc các đơn vị đoàn kết không mua bằng mọi giá và không vượt quá 20% giá của 3 mùa trước. Giải pháp này cho phép các đơn vị có thể chủ động thực hiện được phương án kinh doanh của mình, tiếp tục gây sức ép cho bên bán bản quyền không được bán EPL với giá quá cao, đồng thời tránh cho Hiệp hội phải chịu trách nhiệm đối với các thành viên về hậu quả có thể xảy ra do không mua được hoặc chậm mua bản quyền".
Tại cuộc họp Hiệp hội mới nhất chiều 8/4/2016, vẫn không có thêm bất kỳ giải pháp và phương án cụ thể mua như thế nào và phân phối như thế nào nếu mua được bản quyền. Quan trọng hơn là không thể vượt quan được quy định cấm mua chung của Ban tổ chức EPL. Chính vì vậy, Ban đàm phán đã bàn sâu về nguyên tắc giá mua không quá 20% so với mùa trước và đơn vị mua được bản quyền cần có giải pháp kỹ thuật, kinh doanh để phục vụ được đông đảo người xem. Như vậy là hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ.
Ngoài lý do "sức ép của khán giả K+ càng gay gắt và xu hướng rời mạng ngày càng tăng vì cho là K+ không còn EPL mùa tới" nêu trên, phía K+ còn nói rõ:
"Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án (có EPL, không có EPL, chỉ có EPL không độc quyền) và những phân tích cho thấy nếu không đầu tư EPL khi các nội dung khác chưa đủ mạnh trong khi phải cạnh tranh với các đơn vị truyền hình cáp đã có bề dày hoạt động hơn 20 năm và các đơn vị viễn thông có tiềm lực tài chính và tập khách hàng rất lớn thì chắc chắn VSTV sẽ lỗ nặng hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao VSTV là đơn vị sốt sắng nhất trong việc mua EPL. Mỗi doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình và chúng tôi ý thức sâu sắc được điều này.
Chúng tôi cũng xin được làm rõ là K+ mua EPL độc quyền nhưng thực chất là mua EPL có trận độc quyền mà thôi. Ba mùa trước K+ chỉ giữ độc quyền hơn 20% tổng số trận đấu, 280 trong tổng số 380 trận vẫn được phát trên các hệ thống khác".
K+ cho biết, nếu mua được EPL, K+ có phương án để phục vụ được nhiều người xem nhất bằng việc hợp tác với Viettel, My TV, VTVcab, Hanoicab, FPT và sắp tới là TMS cho phép các thuê bao của các đơn vị này xem được các kênh K+ có phát toàn bộ giải EPL mà không phải chuyển sang thuê bao K+. Bên cạnh đó, từ 1/3/2016, K+ đã giảm giá thuê bao xuống còn 125.000đ/tháng, cho phép khả năng tiếp cận giải EPL rộng rãi hơn.
Báo Đầu tư Online sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vấn đề này trong các bản tin tới