“Luật bất thành văn” trong Hợp đồng
Không cung cấp bản hợp đồng gốc với Big C Việt Nam, nhưng đại diện một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho biết, thứ nhất, bản hợp đồng “không bao giờ đề cập số lượng mỗi đơn hàng”, mà Big C sẽ đánh giá năng lực của doanh nghiệp, mức tăng trưởng qua từng năm và sẽ đưa ra giá trị hợp đồng (10-40 tỷ đồng) từng năm.
Thứ hai, thời gian ký kết cùng thời hạn của hợp đồng.
“Trên Hợp đồng sẽ ghi ngày ký là mùng 01/01/2019 và giá trị kết thúc Hợp đồng vào ngày 31/12/2019. Nhưng theo luật bất thành văn giữa các nhà cung ứng và Big C đều hiểu, nếu hợp đồng mua hàng năm 2019 được thoả thuận và ký kết vào tháng 06/2018, có hiệu lực đến tháng 06/2019, nghĩa là thường trong 1 năm”, bà Hương, đại diện Công ty TNHH May mặc Khang Thành lý giải và cho biết, đơn vị này đã hợp tác với Big C Việt Nam hơn 10 năm qua. Đều đặn hàng năm, vào khoảng tháng 3, Big C Việt Nam sẽ gửi hợp đồng với các điều khoản liên quan để nhà cung ứng có thời gian thoả thuận, quyết định có tái ký hay không. Tuy nhiên năm 2019, hợp đồng vừa gửi đến vào tháng 06 và “hối để mình ký ngay chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, không kịp suy nghĩ, cân nhắc”?.
Bà Chu Thị Thọ, đại diện Công ty TNHH Đài Trang cho rằng, Big C Việt Nam “khôn” khi không chốt thời hạn tái ký hợp đồng vào tháng 01 hàng năm mà lại là cuối tháng 06. Bởi, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sẽ phản ánh tình hình kinh doanh và dựa vào các chỉ tiêu doanh số này để cân nhắc mức chiết khấu cho hợp đồng trong thời gian kế tiếp.
“Từ khi hợp tác với Big C Việt Nam đến giờ, họ luôn làm hợp đồng theo cách thức trên và chưa có tiền lệ nào mà nhà cung cấp bị loại khỏi khi hết hợp đồng. Thế nên mình mới tin tưởng, tất cả làm việc bằng niềm tin, chưa bao giờ nghi ngờ về hợp đồng với Big C”, bà Thọ nhấn mạnh vào yếu tố “niềm tin” khi làm ăn với Big C.
Sản phẩm trong ngành hàng may mặc của Big C Việt Nam được sản xuất không chỉ tại Việt Nam (Ảnh: HP) |
Chất lượng sản phẩm: Có phải "Tiền nào của nấy"?
Hợp đồng với từng nhà cung ứng dệt may của Big C Việt Nam đều không giống nhau từ mức chiết khấu, giá trị hợp đồng, khoản phạt…Có một số sản phẩm mang thương hiệu riêng của đơn vị sản xuất như Novelty, thương hiệu thời trang của Tổng công ty May Nhà Bè hay nhãn hiệu của Big C sản xuất bởi Công ty Khang Thành…
Bà Hương, đại diện Khang Thành cho biết, Công ty hợp đồng từ A-Z với Big C như lên ý tưởng sản phẩm, thiết kế, khâu, in, đầu tư dây chuyền, vốn nguyên liệu,…và Big C “chỉ trưng bày và bán”.
“Trước đây, Big C có đưa mình file thiết kế, thông số sản phẩm và chỉ cần làm theo đơn hàng. Nhưng sau này, họ đẩy thêm công đoạn khác, tăng rủi ro cho nhà cung cấp như chúng tôi, trong khi giá mua càng ngày càng giảm, chiết khấu mỗi năm mỗi cao”, bà Hương nói và khẳng định, việc ngưng nhập hàng lần này không thể vì lý do chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp không đạt.
Big C Việt Nam hoàn toàn có quyền loại nhà cung cấp không đáp ứng các yêu cầu chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng…Tuy nhiên, cần đánh giá chất lượng các nhà cung cấp, thông báo cho họ và đưa ra thời gian nếu không đạt yêu cầu sẽ huỷ hợp tác thay vì đột ngột, tạm ngưng nhập hàng sau 8-9 tiếng ra thông báo qua email. Đại diện các doanh nghiệp trên cũng cho biết, vừa nhận được email hợp đồng cho thời gian kế tiếp, thì vụ việc Big C Việt Nam tạm ngừng nhập hàng diễn ra, khiến nhà cung ứng không kịp ứng phó.
Hôm 4/7, Central Group khẳng định sẽ mở lại đơn hàng với 50 nhà cung cấp, trong 2 tuần tiếp theo sẽ mở lại đơn hàng với 100 nhà cung cấp và số còn lại, Big C sẽ đánh giá, xem xét năng lực sản xuất cũng như yếu tố chất lượng, giá cả.
Bà Hương và bà Thọ cũng nhận được email của Big C về việc sẽ mở đơn hàng với hai doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hai chủ nhà cung ứng trên lại đặt ra nhiều nghi ngờ về động thái này của Big C và cho rằng, đây chỉ là cách xoa dịu một số người tiêu dùng đang kêu gọi tẩy chay Big C Việt Nam.
Bà Chu Thị Thọ “vẽ” ra hai kịch bản có thể xảy ra với những nhà cung ứng dệt may tại Việt Nam đang trong tình thế bị ngừng nhập hàng từ Big C.
Một, Big C Việt sẽ tìm cách “đẩy hàng Việt Nam ra”, vì lý do không đủ tiêu chuẩn.
“Họ đang thu mua cái cốc lại bảo chúng tôi đổi sang sản xuất cái ly thì làm sao được. Hay giá 30.000 đồng/sản phẩm thì nay lại yêu cầu chất lượng như Zara, H&M? Họ có chấp nhận chịu chi mức giá 1 triệu đồng/sản phẩm hay không, nếu chấp nhận thì chúng tôi cũng đáp ứng được. Đó là cách họ ép mình, bảo hàng xấu, giá cao. Họ có đồng ý cho mình công khai giá sản phẩm bán cho họ, mức chiết khấu và giá bán ra thị trường bao nhiêu không? Mua giá nào thì chất lượng giá đó”, bà Chu Thị Thọ nói.
Hai, hiện nay, các doanh nghiệp làm việc với Big C để giảm thiểu thiệt hại hàng tồn kho. Sau đó, việc có tiếp tục ký hợp đồng với Big C Việt Nam hay không thì cũng “không quan tâm nữa”, bởi đại diện một số siêu thị trong nước đã liên hệ, trao đổi việc mua hàng.