Thực tế, việc các địa phương huy động vốn qua phát hành trái phiếu không phải là sự kiện quá mới mẻ với giới đầu tư, nhưng thời gian trước, trái phiếu chính quyền địa phương chủ yếu do Hà Nội và TP.HCM phát hành. Việc một địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu tung trái phiếu ra thị trường, nếu được giới đầu tư đón nhận, sẽ là tín hiệu “đèn xanh” mở rộng sân chơi này trong thời gian tới.
Dự kiến, 500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương với tên gọi “trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” sẽ được phát hành 1 đợt trong năm 2016. Đối tượng nhà đầu tư được nhắm tới trong đợt phát hành này là các tổ chức và cá nhân Việt Nam, tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Trái phiếu Bà Rịa - Vũng Tàu có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn và thanh toán định kỳ 1 năm/lần; hoàn trả gốc 1 lần khi đáo hạn. Chủ sở hữu được sử dụng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu, cầm cố trong các quan hệ tín dụng và quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Trái phiếu sau khi phát hành sẽ được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và niêm yết, giao dịch tập trung tại HNX.
Nguồn vốn huy động từ đợt phát hành này sẽ được bố trí cho các dự án đầu tư công của tỉnh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 theo thứ tự ưu tiên sau: Dự án đường Phước Hòa - Cái Mép, Dự án hệ thống kênh nội đồng Hồ Sông Ray, Dự án Bệnh viện đa khoa Vũng Tàu.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cả 3 dự án trên đều là các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh. Mặc dù thời hạn của trái phiếu là 5 năm, nhưng trong thời hạn này, Bà Rịa Vũng Tàu cũng có thể mua lại, hoán đổi trái phiếu trước hạn để cơ cấu lại nợ theo phương án đã được HĐND tỉnh duyệt.
Về kế hoạch phân bổ vốn cụ thể, Dự án Đường Phước Hòa Cái Mép do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh làm chủ đầu tư, được thực hiện tại huyện Tân Thành, có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính quyền địa phương dự kiến phân bổ khoảng 300 tỷ đồng. Dự án hệ thống kênh nội đồng Hồ Sông Ray có tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được thực hiện tại các huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, vốn trái phiếu địa phương dự kiến 300 tỷ đồng. Còn Dự án Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, thực hiện tại TP. Vũng Tàu, tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến dành 700 tỷ đồng trái phiếu địa phương cho dự án này.
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp với diện tích trên 8.500 ha. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút 297 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với lượng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) và 442 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 240.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 174.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp (trong, ngoài nước) đạt trên 145.000 tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2015, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố.
Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về tài nguyên, đặc biệt là dầu khí, chiếm 93% trữ lượng dầu mỏ (các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông...), 16% trữ lượng khí và 11,2% tổng công suất điện năng cả nước. Về cảng biển, theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5), hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ kết hợp trung chuyển container quốc tế. Các cảng biển nước sâu khu vực Cái Mép-Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế, có khả năng đón nhận các tàu đến 200.000 tấn.