TTND.PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, dù có những áp lực nhất định song chúng ta vẫn có những tín hiệu lạc quan để đối phó nếu số ca mắc lớn được ghi nhận.
Ngay cả với với kịch bản số lượng bệnh nhân lớn hơn thời điểm hiện (hơn 11.000 ca mắc - PV), tại chúng ta vẫn có thể làm chủ tình hình.
TTND.PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế |
Theo đó, biến chủng Sars-Cov-2 của làn sóng dịch lần này lây lan nhanh, do đó, các biện pháp hiện nay cần phải nâng cao hơn, cảnh giác hơn một mức.
Cụ thể, đặc tính của những biến chủng virus hiện nay đang được ghi nhận là làm cho người nhiễm chuyển từ thể nhẹ sang nặng nhanh hơn. Nhiều người trẻ hơn cũng chuyển sang nặng nhanh hơn. Theo đó, nếu như ở những đợt dịch trước, 80% người mắc là nhẹ, ít triệu chứng, hiện, tỷ lệ này chỉ còn 65-70%.
Do bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh tăng nhanh, nên không thể chuyển hết về các trung tâm lớn vì vừa không an toàn vừa gây quá tải cục bộ. Quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế là không chuyển bệnh nhân nhiều mà phải tổ chức đáp ứng 4 tại chỗ.
Muốn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cần bác sĩ phải giỏi, có năng lực. Do đó, chúng tôi đang chỉ đạo nâng cao số lượng và chất lượng năng lực hệ thống hồi sức cấp cứu ở địa phương.
Trả lời câu hỏi của phóng viên khi số ca nhiễm lên tới 30.000 ca- 50.000 ca, liệu hệ thống điều trị Việt Nam có đáp ứng được hay không, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay, chúng ta có sẵn kịch bản 10.000 đến 30.000 ca mắc.
Kinh nghiệm thực tế hiện nay, Việt Nam đã có 11.304 ca mắc và hệ thống điều trị đang đáp ứng hiệu quả. Số bệnh nhân chữa khỏi là 4.543 bệnh nhân và chỉ có 61 trường hợp là bệnh nhân tử vong, trong đó đa số là các bệnh nhân có bệnh nền nặng (chiếm khoảng 0,54% tổng số ca mắc, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với rất nhiều nước trên thế giới).
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ chiếm khoảng 65-70%. Những trường hợp này ít triệu chứng, chỉ cần điều trị, cách ly thật tốt, điều trị thuốc nâng cao thể trạng miễn dịch, bảo đảm về điều kiện chăm sóc là sẽ khỏi bệnh.
Vậy với kịch bản 30.000 ca mắc, khoảng 19.500-21.000 trường hợp này sẽ không cần phải có đội ngũ các thầy thuốc quá chuyên sâu và máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ điều trị.
Khoảng 20-25% bệnh nhân còn lại (khoảng 7.000-8.000 người) ở loại trung bình có thể chuyển về thể nhẹ hoặc diễn biến nặng cần phải có hệ thống điều trị hỗ trợ như theo dõi các diễn biến nguy cơ.
Bệnh nhân khi ấy cũng chưa cần thiết phải sử dụng hệ thống máy thở chức năng cao, ECMO, mà chủ yếu là cần theo dõi sát các chỉ số về hệ hô hấp, các chức năng, sốt, kết hợp các thuốc chống đông máu hay tăng cường miễn dịch, điều trị tích cực các bệnh nền, máy thở HFNC.
Còn lại khoảng 5-7% của 30.000 ca nhiễm là khoảng 1.500 người cần phải đầu tư kỹ thuật cao và nhân lực chuyên môn sâu để có thể can thiệp ECMO, thở máy, thở oxy trung tâm… Việc điều trị cho 5-7% này rất quan trọng, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Hiện nay, ngành Y tế đã thiết lập các đơn nguyên của bệnh viện dã chiến có đơn vị hồi sức cấp cứu tích cực có đủ trang thiết bị để đáp ứng tình hình dịch. Vừa qua, chúng tôi cũng đi kiểm tra nhiều địa phương, chủ động lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại các địa phương này.
“Việt Nam đã có kịch bản 30.000, 50.000 ca mắc, tôi tin Việt Nam sẽ đáp ứng được. Thực tế, chúng ta có cơ sở để cách ly số lượng lớn. Với tỷ lệ F0 có triệu chứng nhẹ, cộng thêm chiến lược tiêm vắc-xin, chúng ta hy vọng về khả năng đáp ứng đủ của các cơ sở điều trị”, ông Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Điều lo nhất với hệ thống điều trị theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê là bệnh nhân nặng, rất nặng và có bệnh nền. Tuy nhiên, trong số hơn 11.000 ca nhiễm, Việt Nam may mắn chỉ có 61 trường hợp tử vong. Trong đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng, nhiều ca mắc mắc bệnh nền. Còn đợt này chủ yếu là công nhân của các nhà máy nên không nhiều bệnh nhân nặng lắm. Chúng ta đã cấp cứu và cứu chữa khỏi được nhiều bệnh nhân.
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, Việt Nam đã có kịch bản 30.000 và 50.000 ca mắc Covid-19 |
Với đề xuất xem xét điều trị ca bệnh F0 nhẹ tại nhà theo ông Lương Ngọc Khuê, trường hợp Việt Nam có nhiều ca mắc, chẳng hạn số lượng lên tới 50.000 người thì việc xem xét điều trị tại nhà đối với F0, không có diễn biến nặng cũng nên cần được đặt ra để các nhà chuyên môn xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, phải đảm bảo các yêu cầu chuyên môn và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để không lây nhiễm ra cộng đồng, an toàn cho người bệnh
"Đó chỉ là phương án sau cùng, hiện chúng ta còn nhiều bênh viện chưa được huy động và các Bệnh viện của Quân đội, Công an, khu resort cách ly, có thể cho bệnh nhân về đó điều trị mà vẫn đảm bảo yêu cầu về cách ly, không lây nhiễm chéo", PGS.TS Khuê cho hay.
Nhắc lại bài học xương máu khi Covid-19 tấn công vào bệnh viện theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, qua công tác kiểm tra, giám sát tôi nhận thấy hiện nay các bệnh viện, các cán bộ y tế đa số đều nghiêm chỉnh chấp hành cách quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn như: Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (ban hành tại quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế);
Bộ tiêu chí “Phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (Ban hành tại Quyết định 4999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 1/12/2020) và một số các quy tắc các cơ sở y tế cần lưu ý như chia ca kíp làm việc cho khối nhân viên hành chính và lâm sàng cho phù hợp, làm việc độc lập, làm việc trực tuyến đối với các bộ phận hành chính, qua hệ thống Telehealth với khu vực lâm sàng, giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau, thực hiện 5K, không đi lại, hạn chế giao lưu giữa các khoa, phòng.
Nhằm tạo lưới chắn Covid-19, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện phải thường xuyên sàng lọc, phát hiện sớm, hướng dẫn khai báo, đánh giá nguy cơ dịch tại bệnh viện, xét nghiệm cho khu vực phòng khám, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân.
"Chúng tôi cũng yêu cầu các nhân viên y tế dù đã được tiêm phòng vắc-xin, bệnh viện cũng phải thường xuyên tầm soát nhân viên. Các nhân viên khi đến bệnh viện phải được kiểm tra các yếu tố nguy cơ, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ. Đồng thời, họ phải thay trang phục trước khi về nhà. Các phòng làm việc phải thông thoáng, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh", Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nêu.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!